Tên lửa siêu siêu âm sẽ khơi mào Thế chiến 3?

  •  
  • 2.846

Mỹ, Nga và Trung Quốc đang chạy đua phát triển tên lửa vận tốc từ 6.125km/h trở lên. Các nước châu Âu, Nhật, Úc và Ấn Độ cũng nhăm nhe chế tạo nó. Tên lửa này "siêu" ra sao?

Viện nghiên cứu chiến lược RAND (Mỹ) vừa công bố báo cáo cho rằng việc các nước chạy đua chế tạo tên lửa thế hệ mới có khả năng đạt vận tốc siêu siêu âm, còn gọi là cực siêu âm (hypersonic), có thể khơi mào cho Chiến tranh Thế giới lần thứ 3.

Nhiều nước đang chạy đua chế tạo tên lửa siêu siêu âm
Nhiều nước đang chạy đua chế tạo tên lửa siêu siêu âm - (Ảnh: Raytheon).

Việc phổ biến loại vũ khí tối tân này không chỉ gây hiểm họa cho các quốc gia nhỏ mà cả các cường quốc trong một cuộc chiến tranh chiến lược.

Bản báo cáo cũng đề xuất các cường quốc và cộng đồng thế giới nên cùng phối hợp kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất cũng như cấm xuất khẩu loại tên lửa này.

Cuộc chạy đua giữa các quốc gia

Quá trình tấn công của tên lửa siêu siêu âm
Quá trình tấn công của tên lửa siêu siêu âm - (Nguồn: DARPA).

Tốc độ siêu siêu âm là vận tốc từ 6.125km/h trở lên, vận tốc dưới ngưỡng này gọi là siêu âm (supersonic).

Theo FlightGlobal, Mỹ hiện đang triển khai chương trình Vũ khí tấn công tốc độ cao, dự kiến sẽ đưa loại tên lửa tấn công có khả năng đạt đến vận tốc 6.000km/h ra thử nghiệm vào năm 2019 và sẽ trang bị cho quân đội vào các năm sau đó.

Nga và Trung Quốc cũng đang chạy đua phát triển loại tên lửa này nhằm chiếm ưu thế chiến lược về quân sự.

Ngoài ra, các nước châu Âu, Nhật, Úc và Ấn Độ cũng đang ráo riết nghiên cứu chế tạo loại tên lửa thế hệ mới này, theo MailOnline.

So sánh tốc độ các loại tên lửa
So sánh tốc độ các loại tên lửa - (Nguồn: DARPA).

Các tên lửa siêu siêu âm đang thử nghiệm đạt được vận tốc cao nhờ vào cơ chế tạo lực đẩy bằng động cơ phản lực dòng thẳng, còn gọi là động cơ phản lực tĩnh siêu âm (scramjet engine).

Loại động cơ này cần phải có tốc độ ban đầu cao mới có thể nạp đủ lượng không khí và nhiên liệu để hoạt động. Nó chỉ vận hành hiệu quả trong điều kiện tốc độ cao và mật độ không khí loãng.

Do đó, nó phải được phóng lên bằng một hỏa tiễn thông thường lên thượng tầng khí quyển trái đất rồi mới bắt đầu hoạt động để đạt đến tốc độ siêu siêu âm. Vì vậy, chúng không thích hợp để gắn lên các loại tên lửa quy ước hay máy bay phản lực.

Nguy cơ chiến tranh

Hiện nay, các tên lửa đạn đạo thông thường mang đầu đạn chứa chất nổ quân dụng hoặc hạt nhân, chỉ đạt được vận tốc siêu siêu âm khi bắt đầu đâm xuống mục tiêu.

Khi phóng lên, chúng sẽ bay theo đạn đạo hình vòng cung, đỉnh điểm của độ cao nhất là ngoài bầu khí quyển trái đất, sau đó chúng hạ dần độ cao trở vào bầu khí quyển. Thời điểm này tên lửa sẽ đạt đến vận tốc siêu siêu âm.

Nhiều người lo ngại tên lửa siêu siêu âm sẽ khơi mào Thế chiến 3
Nhiều người lo ngại tên lửa siêu siêu âm sẽ khơi mào Thế chiến 3 - (Ảnh: DARPA).

Nhưng với phương thức này, tên lửa không thể linh hoạt thay đổi quỹ đạo hoặc có thể điều khiển từ xa như loại tên lửa sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng.

Tên lửa siêu siêu âm thế hệ mới có ưu điểm là nhỏ gọn hơn, có thể điều khiển từ xa, cơ cấu thuốc nổ chứa trong đầu đạn có thể điều chỉnh tùy theo yêu cầu chiến thuật từng thời điểm.

Một lợi thế rất lớn khác là chúng có thể thay đổi đường bay rất linh hoạt để tránh né tên lửa phòng thủ của đối phương.

Báo cáo của RAND nhận định rằng quốc gia nào sở hữu được loại tên lửa này sẽ có ưu thế chiến thuật và chiến lược rất lớn.

Do đó, họ sẵn sàng tấn công phủ đầu đối phương bằng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vì biết chắc kẻ thù không có đủ thời gian phản ứng và hiện chưa có giải pháp nào có thể chống đỡ một cách hiệu quả.

Vì thế, nguy cơ khơi mào cho Thế chiến thứ 3 sử dụng toàn vũ khí hạt nhân là rất lớn.

"Tên lửa có vận tốc siêu siêu âm (hypersonic - trước 1975 có tài liệu dịch là "quán âm"), có những tính năng hơn hẳn loại tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ hiện nay (hay tên lửa đạo đạo quy ước - conventional intercontinental ballistic missile) ở chỗ nó có thể thay đổi đường bay rất linh hoạt giống như tên lửa hành trình chiến thuật (tatical cruise missile). Đồng thời, vận tốc và cao độ của nó lại cao hơn nhiều lần so với loại hành trình, nhưng lại có cao độ thấp hơn so với loại đạn đạo liên lục địa.

Điều này làm cho nó cực kỳ khó bắn hạ bởi hệ thống tên lửa phòng thủ của đối phương vốn chỉ được thiết kế để đánh chặn 2 loại tên lửa nói trên, theo The National Interest.

Với khả năng có thể thay đổi hành trình cực kỳ linh hoạt và có thể thay đổi mục tiêu tấn công vào phút cuối theo yêu cầu chiến thuật mới nhất, tên lửa siêu siêu âm khiến kẻ thù không thể đoán được mình sẽ bị đánh ở địa điểm nào cho đến khi nó đã đến quá gần, lúc ấy thì đã quá muộn.

Đến nay, vẫn chưa có biện pháp nào có hiệu quả 100% để đánh chặn loại tên lửa thế hệ mới này.

Trước đây, giới khoa học cũng đã bày tỏ sự quan ngại về việc phát triển dòng vũ khí mới này. Đã có ý kiến đề xuất là nên cấm sản xuất hẳn.

Cập nhật: 13/10/2017 Theo Tuổi Trẻ
  • 2.846