Thái Bình Dương trước nguy cơ cạn kiệt nguồn cá ngừ

  •  
  • 1.676

Ngày 2/12, tại hội nghị tổ chức ở thủ đô Manila của Philippines, Ủy ban Nghề cá khu vực Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng đánh bắt cá ngừ quá mức trong khu vực dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản này.

Phát biểu tại hội nghị, các chuyên gia nhấn mạnh một số loài cá ngừ đang bị khai thác cạn kiệt, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước cần hành động để bảo tồn không chỉ các nguồn cá ngừ mà còn các nguồn hải sản khác.

Theo họ, các nước cần tăng cường hợp tác bảo vệ cá ngừ vì đây là loài cá di trú từ vùng biển nước này sang vùng biển nước khác.

Đánh bắt cá ngừ
Đánh bắt cá ngừ

Ngoài ra, các chuyên gia của WCPFC cũng cảnh báo nguy cơ cạn kiệt của cá mập, cá đuối và một số loài cá khác thường bị đánh bắt cùng các mẻ lưới cá ngừ.

Theo Giám đốc điều hành WCPFC Glenn Hurry, cá ngừ mắt to là một trong những loài cá ngừ bị đánh bắt nhiều nhất và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, đòi hỏi các cơ quan chức năng có các biện pháp đối phó thỏa đáng.

Ông Hurry cho biết tại Thái Bình Dương, sản lượng khai thác loài cá ngừ này hàng năm lên tới 151.000 tấn, trong khi các loài cá ngừ khác như cá ngừ nhảy cũng bị khai thác cạn kiệt với sản lượng khoảng lên tới 1,4 triệu tấn trong năm ngoái. Ông kêu gọi các nước giảm 30% sản lượng đánh bắt cá ngừ mắt to.

Một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng khai thác cá ngừ quá mức được đề xuất là tăng cường kiểm soát các thiết bị đánh bắt cá.

Ngoài ra, tại hội nghị, các chuyên gia WCPFC cũng cân nhắc khả năng đề nghị cấm hoạt động đánh bắt cá ngừ tại các vùng biển quốc tế, nơi các thuyền đánh cá được phép hoạt động song thường vi phạm các quy định của WCPFC.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cung cấp hơn 50% sản lượng đánh bắt cá ngừ trên thế giới. WCPFC là thể chế có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn loài cá ngừ, bao gồm hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trải dài từ Mỹ, Trung Quốc và Australia tới các quốc đảo nhỏ bé thuộc vùng biển Thái Bình Dương.

Theo Vietnam+
  • 1.676