Các nhà khoa học sử dụng robot dưới nước chế tạo đặc biệt để nghiên cứu loài cá mập vô cùng hiếm sống trong lòng núi lửa ở đáy biển, một trong những môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái Đất.
Loài cá mập bí ẩn được phát hiện tình cờ vào năm 2015 ở núi lửa Kavachi thuộc khu vực xa xôi của quần đảo Solomon phía nam Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu quan sát hoạt động núi lửa phát hiện những con cá mập dưới biển sâu gần quần đảo. Họ lần đầu tiên bắt gặp một vật thể hình cầu màu nâu lớn không thể nhận dạng và sau này tìm ra đó là loài cá mập ngủ Thái Bình Dương. Đây là trường hợp cá thể sống xa nhất ở phía nam từng được ghi nhận.
Cá mập sống trong miệng núi lửa Thái Bình Dương.
Lúc đầu, nhóm nghiên cứu rất bối rối trước những gì phát hiện được bởi họ không ngờ có sinh vật nào khác ngoài vi khuẩn có thể sống trong điều kiện khắc nghiệt như vậy. "Về mặt khoa học, có một số lý do khiến sinh vật rất khó sống ở đó ngoại trừ vi khuẩn. Đầu tiên là môi trường rất nóng và độ axit cao. Thứ hai là nước ở đó đục ngầu. Không điều kiện nào có lợi cho cá", National Geographic dẫn lời nhà nghiên cứu Brennan Phillips.
Loài cá mập ăn thịt mới phát hiện có thể dài tới 7 mét. Chúng bơi rất êm với cơ thể gần như chuyển động rất ít, cho phép chúng bắt mồi dễ dàng.
Robot thám hiểm dưới nước.
Gần đây, nhóm nghiên cứu quay trở lại quần đảo Solomon với trang bị là đội robot tự chế để tìm hiểu nhiều hơn về cá mập ngủ và ngọn núi lửa. Do các máy móc được định trước sẽ bị núi lửa phá hủy nên chúng có chi phí chế tạo tương đối rẻ. Các nhà khoa học lắp ráp robot từ vật liệu giá thành thấp như ống cống. "Chúng tôi dùng một số ống cống PVC đã qua sử dụng tìm thấy trong làn. Bạn chỉ cần gắn thiết bị điện lên đó và có ngay một con thuyền tự động", Phillips giải thích.
Loài cá mập ăn thịt mới phát hiện có thể dài tới 7 mét.
Các nhà khoa học rất bất ngờ và hài lòng khi tìm thấy vật liệu núi lửa bám vào robot trong các đợt phun trào, khiến cỗ máy rất tiện thu thập mẫu đá.
Những con robot hé lộ nhiều thông tin mới về ngọn núi lửa, bao gồm robot ở gần mạch nước có độ pH giảm mạnh và nhiệt độ cao hơn 10 độ so với thông thường. Họ cũng phát hiện ngọn núi lửa là nguồn phát khí nhà kính mạnh.
Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch thực hiện nhiều chuyến thám hiểm xa hơn tới ngọn núi lửa và hy vọng có thể đeo nhãn cho một trong những con cá mập để theo dõi hành vi của chúng.