Thảm thực vật và động vật quý hiếm cần được bảo vệ

  •   53
  • 3.880

Hệ sinh thái khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng lại đang bị xâm hại, thảm thực vật và nguồn động vật quý hiếm đang bị làm nghèo, cạn kiệt. Nếu không khắc phục sớm thì trong tương lai có thể chẳng còn gì để bảo tồn nữa?

Lung Ngọc Hoàng là vùng đất rừng ngập nước, rộng 5.100ha, nằm ở địa phận huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), nơi được các nhà nghiên cứu khẳng định có nhiều giá trị bảo tồn thiên nhiên rừng ngập nước. Ngày 1-8-2002, Chính phủ đã phê duyệt Dự án tiền khả thi khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia vùng đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng, với dự chi ban đầu cho dự án này gần 4 tỷ đồng.

Dân nghèo sống dựa vào rừng

Nạn săn bắt động vật hoang dã, chặt phá rừng một thời đã làm Khu bảo tồn (KBT) "tổn thương" không nhỏ. Hầu hết các loài động vật hoang dã đánh bắt được đều đưa ra chợ đầu mối Phụng Hiệp, sau đó mới chuyển đi khắp nơi. Ngày nay chợ rắn, chợ chim Phụng Hiệp mới thưa vắng dần nhờ có quyết định cấm khai thác các loài động vật quý hiếm của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Hoàng Thọ, Giám đốc KBT Lung Ngọc Hoàng lo lắng nói với tôi: "Bây giờ nạn săn bắt động vật hoang dã, chặt phá rừng đã giảm, tuy nhiên, hình thức "tàn phá" lại diễn ra ngày càng tinh vi hơn.

Lực lượng nhân viên của KBT mỏng, việc bắt quả tang các hành vi săn bắt động vật hoang dã, xiệc cá, tôm rất khó, do địa bàn rộng, nhiều kênh rạch, xen lẫn rừng tràm.

Các đối tượng vi phạm thường dễ dàng lẩn trốn, phi tang, cất giấu dụng cụ đánh bắt. Bắt được người vi phạm đã khó, xử lý còn khó hơn. Thời gian gần đây, nhiều trẻ em vào KBT đánh bắt cá, tôm. Khi bắt được, chúng tôi chỉ lập biên bản rồi mời cha mẹ các cháu tới bảo lãnh cam kết không tái phạm, chứ chẳng thể xử lý được bằng hình thức nào khác vì đối tượng vi phạm là trẻ em".

(Ảnh: ibiblio.org)Ngoài nỗi lo về tình trạng khai thác cá tôm, săn bắt động vật hoang dã, KBT Lung Ngọc Hoàng còn đang phải đối phó với nhiều nguy cơ khác. Hiện nay đang có 19 hộ dân khai thác trái phép 14,12 ha rừng tràm nằm ở 3 phân khu: phân khu phục hồi sinh thái, phân khu hành chính dịch vụ du lịch và phân khu khoa học thực nghiệm. Tổng số diện tích 2.805 ha rừng tràm trong KBT đang quản lý thì đã có 99 hộ dân trồng tràm với diện tích đất là 65,7 ha, trong đó chỉ có 23 hộ trồng 34,61 ha tràm là được lâm trường Phương Ninh (cũ) cho phép, số còn lại là trồng tự phát.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định sáp nhập lâm trường Phương Ninh và lâm trường Mùa Xuân, thành lập KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với tổng diện tích 2.805ha.

Lung Ngọc Hoàng có 315ha lung bàu với nhiều loại cá rô, cá lóc, cá bông, trê trắng, thác lác. Đặc biệt là hệ thực vật đa dạng và quần thể động vật vô cùng phong phú, gồm hơn 200 loài, hấp dẫn nhất là chim nước với 135 loài, trong đó có nhiều giống quý hiếm như: bạc má, nhơn sen, già đãy, trong đó riêng vạc, mỗi bầy có đến hàng nghìn con luôn ẩn nấp trong những cánh rừng xanh mướt. Một số hộ dân vẫn tiếp tục vào khai thác tràm tại phần đất của họ trồng trước kia trong KBT với lý do điều kiện kinh tế khó khăn.

Giám đốc Nguyễn Hoàng Thọ cho biết: "Chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ hệ sinh thái của KBT nhưng dân thì hiện vẫn còn sinh sống ngay trong vùng lõi, vậy thì rất khó bảo vệ, bảo tồn.

Chẳng ai có thể khẳng định, bảo đảm chắc chắn rằng những vi phạm xâm hại KBT lại không xuất phát từ chính những người dân đang sinh sống ngay trong KBT?

Chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh giải pháp bảo vệ KBT, buộc phải tổ chức, di dời, tái định cư cho những hộ dân đang sinh sống trong rừng ra ngoại vùng đệm theo phương án "đất đổi đất". Lãnh đạo tỉnh đã đồng ý đề xuất này nhưng việc triển khai thực hiện gặp khó khăn, chưa thể thực hiện được do không có kinh phí".

Ước tính, để thực hiện đề án này, tỉnh Hậu Giang sẽ phải đầu tư từ 5 đến 10 tỷ đồng. Công tác bảo vệ trong "ruột rừng" đã phức tạp, ở khu vực vùng đệm cũng khó khăn không kém nếu không nói là hiện đang bị thả nổi.

Toàn bộ vùng đệm của KBT rộng gần 8.900ha, gồm 7 xã một thị trấn, giáp ranh với địa phận tỉnh Sóc Trăng và dân số gần 40.000 người.

Đến nay, vẫn chưa có một quy định cụ thể nào phân biệt giữa dân trong "ruột rừng" và dân vùng đệm. Tình trạng người dân vẫn còn sinh sống trong KBT thì việc bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái của KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng sẽ không thể phát huy được hiệu quả.

Bao giờ mới hết nguy cơ bị tàn phá?

Trong 5.100 ha tổng diện tích của KBT, có 2.815ha cần được bảo vệ nghiêm ngặt, là diện tích chính được đưa vào dự án, còn lại là vùng đệm, khu hành chính và khu thực nghiệm.

Trong những năm qua, hai lâm trường Phương Ninh và Mùa Xuân vừa bảo vệ, tôn tạo, tu bổ rừng, vừa được phép khai thác rừng để tăng thu nhập và bảo đảm sinh hoạt đời sống của các lâm trường viên. Hàng trăm hộ từ nhiều nơi khác cũng di trú về đây để khai thác rừng và tậu đất làm ăn.

Hiện nay, KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có 360 hộ là "dân gốc", hơn 240 hộ di cư tự do từ nơi khác đến, trong số này tỷ lệ dân nghèo và đói tới hơn 55%. Nếu không giải quyết sớm vấn đề dân cư gắn với quy hoạch xây dựng, phát triển khu bảo tồn sinh thái, thì sẽ gây ra nhiều tiêu cực trong quản lý bảo vệ vốn rừng.

Hàng trăm người dân vẫn vào khu vực đã khoanh cấm để săn chim, thú, bắt rùa, rắn ba ba và nhiều loại thủy sản khác. Số cán bộ, nhân viên được biên chế vào không hành chính" của Ban quản lý KBT đời sống còn rất nhiều khó khăn.

Nếu như không có sự tham gia giáo dục tuyên truyền của địa phương và ngành chức năng, thì các loài cá tôm, động vật quý hiếm sẽ bị tuyệt diệt bởi bàn tay con người. Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là việc sớm triển khai xây dựng khu tái định cư, di dân ra khỏi vùng lõi KBT Lung Ngọc Hoàng.

Trong điều kiện tỉnh Hậu Giang còn gặp khó khăn về nguồn kinh phí, nên chăng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường cần có những biện pháp hỗ trợ khẩn trương, kịp thời giúp địa phương bảo vệ KBT thiên nhiên.

Như vậy, KBT thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng mới thật sự được bảo vệ tránh được nguy cơ tàn phá, hủy hoại hệ sinh thái vùng ngập nước của con người. Nếu việc di dời dân ra khỏi vùng lỏi KBT không được tiến hành sớm, thì hệ sinh thái của KBT Lung Ngọc Hoàng bị tàn phá cũng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, rất cần quy hoạch tổng thể kèm theo những chính sách và biện pháp vận động hợp lý để di dơi, tái định cư cho những hộ dân còn "sống bằng vốn rừng", hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chặt phá, khai thác tài nguyên vốn rừng tùy tiện, bừa bãi. 

Theo Quân đội nhân dân, Nhân dân
  • 53
  • 3.880