Thằn lằn chi tiêu biến

  •  
  • 2.228

Một số loài thằn lằn nhỏ Australia được gọi là thằn lằn bóng đã biến đổi từ có chân 5 ngón thành không chân (giống như hầu hết các loài rắn) chỉ trong vòng 3,6 triệu năm. Đây là biến đổi diễn ra trong chớp mắt trong thời gian địa chất.

Nếu coi một cuộn giấy toalet 1000 mảnh là chiều dài lịch sử địa chất của Trái Đất, thì chỉ trên một mảnh giấy hình vuông nhỏ tổ tiên hai chân của người Homo sapiens xuất hiện, vào khoảng 4.5 triệu năm trước, theo nhà địa chất học Robert Giegengack thuộc bang Pennsylvania.

Con thằn lằn bóng Lerista có chân tiêu biến (Lerista punctovittata). (Ảnh: Mark Hutchinson)

75 loài thằn lằn bóng tiến hóa nhanh gọi là Lerista. Những con thằn lằn bóng này bò trườn trên Trái Đất đã 13,4 triệu năm nay, cho đến tận ngày nay, một số vẫn có 5 ngón, một số có 4 còn một số lại không có hoặc chỉ có các mẩu chân bé xíu nhú ra. Do đó các nhà khoa học thuộc đại học Adelaide đã sử dụng kỹ thuật thiết lập trình tự di truyền để tiếp cận với cây phả hệ mới của loài thằn lằn bóng. Cây phả hệ sẽ cho thấy khi nào những con thằn lằn này tiêu biến ngón hay tiêu biến cả chân trong tiến trình tiến hóa của chúng cũng như tiến hóa ở mức độ nhanh như thế nào.

Nhà nghiên cứu Adam Skinner thuộc đại học Adelaide cho biết: “Ở mức độ cao nhất là tiêu biến chi hoàn toàn từ chân năm ngón. Loài thằn lằn có chân năm ngón sống cách đây khoảng 3,6 triệu năm”. Ông thêm rằng so với các biến đổi tiến hóa tương đương ở các loài động vật khác, hiện tượng này xảy ra trong chớp nhoáng.

Thằn lằn bóng Lerista có 4 chân lớn (Lerista microtis). (Ảnh: Mark Hutchinson)

Phân tích được công bố chi tiết trên tờ BMC Evolutionary Biology và được Quỹ Hermon Slade tài trợ. Nghiên cứu cho rằng lối sống của thằn lằn bóng đã dẫn đến các biến đổi nhanh chóng và ngoạn mục trong hình dạng cơ thể chúng.

Skinner, chỉ đạo nghiên cứu, phát biểu: “Người ta tin rằng thằn lằn bóng tiêu biến chi bởi chúng dành hầu hết thời gian bơi qua cát hoặc sỏi đá, chi không cần thiết cho công việc này, mà thậm chí còn là vật cản trở chúng”.

Thằn lằn bóng Lerista không chân. (Ảnh: Mark Hutchinson)

Skinner cùng các cộng sự nhận thấy tiến hóa dạng cơ thể giống rắn ở các loài thằn lằn bóng Lerista đã xảy ra không những mang tính lặp lại, mà thậm chí còn không có bằng chứng của hiện tượng nghịch đảo (nghĩa là ngón hoặc chi sẽ xuất hiện trở lại).

Tiêu biến chi trong quá trình tiến hóa đã xảy ra nhiều lần trong suốt lịch sử sự sống trên Trái Đất, ở loài động vật có vú, chim, động vật lưỡng cư, rắn và thằn lằn. Thằn lằn và rắn là các trường hợp tiêu biểu để nghiên cứu về hiện tượng sinh học này. Khoảng 53 loài thằn lằn và rắn có hiện tượng mất một xương chi hoặc nhiều hơn thế trong quá trình tiến hóa của chúng.

G2V Star (Theo LiveScience)
  • 2.228