Thay đổi khí hậu dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh Maya

  •  
  • 1.584

Các nhà khoa học sử dụng công nghệ vệ tinh mới để theo dõi môi trường Nam Mỹ cho biết sự suy tàn của nền văn minh Maya có thể bắt nguồn từ những trận hạn hán và thay đổi khí hậu do chính họ gây ra.

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm hàng không Marshall ở Huntsville, Alabama phóng chương trình vệ tinh SERVIR vào đầu năm 2005 để khắc phục các vụ cháy rừng, cải thiện việc sử dụng đất và nghiên cứu các thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, chương trình cũng phát hiện ra những dấu tích của nền nông nghiệp gặp thảm họa trong quá khứ của người Maya, hiện đã bị thời gian vùi lấp. Những bài học này được dùng để giúp nhân loại hiện tại đối mặt với thay đổi khí hậu.

Theo các nhà phát triển dự án Tom Sever và Daniel Irwin, SERVIR cảnh báo các nhà lãnh đạo ở Trung và Nam Mỹ về khả năng thay đổi khí hậu có thể gây ra những tổn thất vô cùng khắc nghiệt lên hệ sinh thái và đa dạng sinh học của vùng này. Nếu chính quyền thực sự coi trọng những cảnh báo này, dữ liệu thu được sẽ là phương tiện giúp bảo vệ sự sống.

Những nông trại bí ẩn

Có hơn một trăm lý do giải thích cho sự sụp đổ của người Maya bao gồm bão, quá tải dân số, bệnh tật, chiến tranh và nổi loạn của nông dân. Nhưng Sever, nhà khảo cổ học duy nhất của cơ quan NASA đưa ra bằng chứng cho một lời giải thích mới. Trong cuộc họp Hội đồng Vì sự tiến bộ khoa học Mỹ diễn ra ở Boston, Massachusetts vào đầu tháng này, Sever phát biểu: “Nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy thay đổi khí hậu có thể cũng là một nguyên nhân.”

Một giả thiết thường gặp cho rằng người Maya canh tác theo kiểu đốt rừng lấy đất nông nghiệp nhưng Sever và các cộng sự cho rằng phương pháp đó không thể giúp duy trì dân số hơn 60.000 vào thời kỳ đỉnh cao của nền văn minh này.

Các nhà nghiên cứu cho rằng người Maya cũng khai thác thêm các bán đầm lầy mang tên bajos, địa hình chiếm 40% khu vực Peten, nơi định cư của đế chế này. Trong phần lớn các trường hợp nghiên cứu thì các thành phố Maya bao xung quanh bajos vì vậy các nhà khảo cổ học cho rằng nó không có tác dụng gì. Nhưng những hình ảnh đột phá chụp từ vệ tinh lại chỉ ra những kênh đào thoát nước của bajos cổ và những cánh đồng từng khá màu mỡ.

Dữ liệu cho thấy sự kết hợp giữa nông nghiệp theo lối nương rẫy và chuyển đổi những khu đầm lầy đã gây ra hạn hán cục bộ và nhiệt độ tăng cao. Đây có thể là khởi nguồn của những yếu tố giả thiết dẫn đến sự sụp đổ của người Maya, thậm chí những yếu tố có vẻ không liên quan như bệnh tật và chiến tranh.

Ảnh vệ tinh chụp bajo của Guatemala – một vùng đầm lầy theo mùa khá rộng. Công trình phân tích những hình ảnh vệ tinh cho thấy người Maya cổ canh tác nông nghiệp ở những vùng này và gây ra những trận hạn hán dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh. Hình ảnh do vệ tinh thương mại IKONOS chụp cũng cho thấy những khoảng màu vàng trong khu rừng rậm, có thể là những công trình Maya cổ. (Ảnh: National Geographic)

Thành công của chương trình vệ tinh

Các nhà nghiên cứu SERVIR đang thông báo giả thiết của họ cho người dân, đưa ra những hình ảnh vệ tinh về nạn phá rừng và những vùng đất còn màu mỡ cho dân làng và nhà lãnh đạo.

Hiện nay, Quốc hội Guatemala đã xây dựng Khu dự trữ sinh quyển Maya, khu vực được bảo vệ lớn nhất Trung Mỹ, sau khi xem qua những hình ảnh vệ tinh và thấy được sự khác biệt giữa những cánh rừng của họ và khu vực trơ trụi phía bắc.

SERVIR được sự ủng hộ của USAID và Ngân hàng thế giới, đã chứng tỏ được tính hiệu quả của mình kể từ khi cơ quan chủ quản của chương trình được thiết lập tại Panama thuộc Trung tâm nước cho các khu vực Nhiệt đới ẩm của Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (CATHALAC).

Vào năm 2006, Thủ tướng Panama Martin Torrijos sử dụng văn phòng của SERVIR làm nơi làm việc trong thời gian lũ lụt lan rộng và ông đã rất chú ý khi công nghệ của SERVIR cảnh báo trước những trận lở đất. Vào năm trước, chính quyền các nước Trung Mỹ cũng tham khảo SERVIR về những dự báo về các cơn bão Dean và Felix, bão nhiệt đới Noel.

Gánh nặng của các nước Trung Mỹ

Mặc dù chính quyền địa phương đã hết sức nỗ lực trong quản lý môi trường, các nước Mỹ La-tinh đang phải đối diện với những gánh nặng do thay đổi khí hậu gây ra. Sever cho biết, hiện nay, ở khu vực Petén trời không mưa như dự đoán. Những cư dân địa phương cho biết những cây chicle của họ đang cho ít quả hơn và mây hình thành ở khu vực cao hơn và muộn hơn, đôi khi không sinh mưa.

Thông qua SERVIR, Sever và nhóm của mình đang khảo sát phản ứng của đất và thực vật đối với điều kiện sống thay đổi. Họ cũng đang xây dựng những bản đồ cho các bộ trưởng môi trường và nông nghiệp của một số nước.

Nhà khoa học cấp cao của CATHALAC - Emil Cherrington thuộc Belize, đang sử dụng những thông tin này để dự báo ảnh hưởng của thay đổi khí hậu lên quê hương của ông trong tương lai. “Belize là nước thích hợp với bảo tồn đa dạng sinh học.”

Cherrington cho biết lượng mưa sẽ bị giảm nhiều nhất ở vùng núi và nhiệt độ sẽ tăng nhiều nhất ở bờ biển. Dữ liệu của SERVIR dự đoán một số loài chim và động vật có vú sẽ tuyệt chủng, nhưng loài lưỡng cư sẽ chịu tổn thất nhiều nhất. Nếu những dự đoán lượng mưa qua vệ tinh có thể được đưa đến cho nông dân, họ sẽ quyết định sản xuất bao nhiêu dựa trên lượng nước họ cần.

Các nhà khoa học SERVIR cũng hy vọng mở rộng công nghệ dựa trên hàng không vào lĩnh vực khác. Họ đang nghiên cứu phát triển chỉ số chất lượng không khí đối với Trung Mỹ là tiêu chuẩn trong những báo cáo thời tiết Mỹ. Và ngành công nghiệp đã đưa ra những ứng dụng mà các nhà khoa học SERVIR vốn chưa nghĩ ra. Một công ty Panama đang xây dựng những tấm thu năng lượng mặt trời đã xin ý kiến của SERVIR về nơi tốt nhất để thu được ánh mặt trời.

Cherrington cho biết: “Những thông tin dựa trên công nghệ hàng không có thể giúp ta quyết định tốt hơn, điều này thật đáng ngạc nhiên.”

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 1.584