Các nhà khoa học Úc hiện hợp tác với giới khoa học thế giới để chuẩn bị đối phó với nạn đại dịch kế tiếp của con người.
Các nhà khoa học thuộc Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc (CSIRO-Commonwealth Scientific and Industrial Research Organization) đã tham gia dự án trị giá 20 triệu USD cùng với giới khoa học thuộc Đại học Duke, Hoa Kỳ, và Đại học Quốc gia Singapore (Duke-NUS).
Ông Gary Fitt - Giám đốc An toàn Sinh học của CSIRO - cho biết: 70% bệnh tật ở người có nguồn gốc từ động vật và vì thế nay đã tới lúc thực hiện cách tiếp cận mới trong vấn đề an toàn sinh học.
Các nhà khoa học đang hy vọng phát triển các cuộc thử nghiệm có thể khám phá sớm dịch bệnh nhằm đối phó với sự lan truyền của bệnh tật
Trong khi các nhà khoa học Úc sẽ tập trung vào việc nghiên cứu trong lĩnh vực thú y thì giới khoa học tại Duke-NUS sẽ cung cấp khả năng chuyên môn trong lĩnh vực y khoa.
Tiến sĩ Fitt nói: Châu Á là nơi nhiều bệnh truyền nhiễm mới phát sinh vì vậy cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ chủ yếu nhắm tới khu vực này.
Ông nêu trường hợp cúm gia cầm như ví dụ cho thấy siêu vi cúm này đã tác động đáng kể tới gia cầm và con người. Ông nói rằng: “mối đe dọa do vi khuẩn cúm gia cầm gây ra cho gia cầm và con người là mối đe dọa có thực”.
Tiến sĩ Fitt cũng đề cập tới một loại dịch cúm mới xuất hiện ở Trung Quốc có khả năng khiến nhiều người tử vong trong đó “khoảng 60% những người nhiễm phải loại siêu vi mới này đều thiệt mạng”.
Các nhà khoa học Úc và Duke-NUS hiện đang làm việc với nhau và đang thực hiện các cuộc nghiên cứu để phát triển phương pháp thử nghiệm có khả năng phát hiện sớm và nhanh để tìm ra những bệnh như bệnh do vi khuẩn Hendra gây ra.
Nếu các cuộc thử nghiệm này được phát triển, các khoa học gia thuộc Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc CSRIO sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm mới này ở cơ sở của mình tại Geelong, tiểu bang Victoria.