Vì sao càng già càng khó ngủ?

  •   4,85
  • 3.362

Giấc ngủ giúp chúng ta xử lý các ký ức, học hỏi các kỹ năng mới và ổn định tâm trạng. Tuy nhiên, khi chúng ta ngày càng già đi, giấc ngủ ngon ngày càng trở thành thứ khan hiếm.

Giấc ngủ giống như một nút “reset” trên máy tính, tức là đưa con người vào trạng thái nghỉ ngơi và tái khởi động lại các chức năng, tế bào trong cơ thể để giúp chúng ta cảm thấy khỏe khoắn hơn.

Rất nhiều yếu tố đã làm thay đổi cách thức cũng như thời điểm chúng ta ngủ
Rất nhiều yếu tố đã làm thay đổi cách thức cũng như thời điểm chúng ta ngủ.

Theo các nhà khoa học tính toán, giấc ngủ đã chiếm hết khoảng thời gian 30 năm của đời người. Tức là 1/3 cuộc đời của bạn chỉ dành cho việc ngủ.

Nhưng không phải lúc nào giấc ngủ cũng đến với chúng ta một cách dễ dàng.

Suốt nhiều năm qua, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm hiểu xem điều gì khiến chúng ta càng già, càng khó ngủ. Họ rốt cuộc phát hiện rất nhiều yếu tố đã làm thay đổi cách thức cũng như thời điểm chúng ta ngủ, từ sự thay đổi trong hoạt động não tới việc mất mát các tế bào não chuyên biệt giúp cơ thể nhận biết khi nào là thời điểm nghỉ ngơi. Và việc không ngủ đủ thời lượng, dù ở độ tuổi nào, cũng dẫn đến các tác động ngược vô cùng nguy hiểm.

Dưới đây là những khám phá mới nhất của các chuyên gia về giấc ngủ của con người khi già đi:

Mất dần giấc ngủ sâu

Khi già đi, chúng ta có xu hướng ngủ dần ít đi và chất lượng của giấc ngủ đó cũng kém hơn với nhiều lần thức giấc hơn vào ban đêm. Bộ não của chúng ta cũng dành ít thời gian hơn cho trạng thái ngủ sâu - thời điểm quý giá khi các hỗn loạn của hoạt động não lắng xuống, chuyển sang tình trạng tiêu hao năng lượng chậm chạp. Trong giấc ngủ sâu hay ngủ sóng chậm, các sóng não của chúng ta sẽ giãn ra và ít cuồng loạn hơn.

Vì sao càng già càng khó ngủ?
Chúng ta càng già, càng khó ngủ. (Ảnh minh họa: CCTV)

Một người 25 tuổi đã có tổng cộng nhiều giờ ngủ sâu giấc, được duy trì liên tục trong các chu kỳ ngủ kéo dài suốt đêm. Ngược lại, một người 70 tuổi chỉ có vài phút ở giai đoạn nghỉ ngơi sâu nhất và mất nhiều thời gian hơn vào các giấc ngủ nông hoặc hoàn toàn tỉnh thức vào ban đêm. Sự chuyển đổi giữa ngủ và thức cũng trở nên đột ngột hơn khi chúng ta có tuổi.

Không may là, các dạng giấc ngủ thay đổi cũng gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và chức năng nhận thức của chúng ta. Trước hết, không ngủ đủ giấc sâu sẽ gây rối loạn trí nhớ. Điều này là vì, khi ở trạng thái ngủ sâu nhất, các sóng não giảm tốc giúp chúng ta chuyển ký ức ngắn hạn lưu trữ ở vùng đồi hải mã của bộ não sang vùng vỏ não trước trán, nơi chúng được ghi lại thành ký ức dài hạn. Dẫu vậy, theo một nghiên cứu mới đây, khi không ngủ đủ giấc sâu, các ký ức mới nhất của chúng ta có thể bị mắc kẹt ở vùng đồi hải mã, nơi chúng sẽ sớm bị các ký ức mới viết đè lên.

Khuyến khích chợp mắt buổi trưa, chiều

Vào những năm 1990, các nhà khoa học đã nhận diện một vùng nhỏ của bộ não đóng vai trò như công tắc bật/tắt giấc ngủ ở chuột. Hồi đầu năm nay, cùng nhóm nghiên cứu ấy đã khám phá ra người cũng có vùng phụ trách giấc ngủ trong bộ não và rằng, khi già đi, chúng ta bị mất các tế bào não chuyên biệt ở đó.

Sau khám phá ban đầu này, các chuyên gia đã xem xét dữ liệu của một nghiên cứu giấc ngủ dài hạn đối với hơn 1.000 người, vốn bắt đầu tham gia nghiên cứu lúc 65 và đồng ý nhận sự theo dõi tới khi họ chết. Nhóm nghiên cứu phát hiện, những người mất số lượng tế bào não chuyên biệt nói trên nhiều hơn, sở hữu các dạng giấc ngủ gián đoạn hơn - họ thức giấc nhiều hơn và ngủ ngắt quãng ngắn hơn.

Vì sao càng già càng khó ngủ?
Các giấc chợp mắt giúp bù đắp cho sự suy giảm tỉnh táo và tăng căng thẳng, bắt nguồn từ việc ngủ quá ít vào ban đêm. (Ảnh: BI)

Mối quan hệ giữa các tế bào và các dạng giấc ngủ chính xác đến kinh ngạc: người nào càng sở hữu ít các tế bào não chuyên biệt, người đó càng ngủ gián đoạn và có trí nhớ càng kém.

Theo các chuyên gia, giải pháp cho chu kỳ ngủ gián đoạn là chợp mắt các giấc ngắn. Thông thường, các giấc chợp mắt, chẳng hạn vào buổi trưa/chiều, không cho phép chúng ta tiếp cận giấc ngủ sâu, nhưng giúp bù đắp cho sự suy giảm tỉnh táo và tăng căng thẳng, bắt nguồn từ việc ngủ quá ít vào ban đêm.

Ngủ kém không phải luôn luôn do tuổi tác

Ở người lớn tuổi, khó ngủ cũng có thể là tác dụng phụ của các vấn đề khác, chẳng hạn như co thắt cơ, suy nhược, lo âu và các rối loạn về hô hấp (ví dụ như chứng ngừng thở khi ngủ), vốn ngày càng trở nên phổ biến khi chúng ta già đi.

Đây thường là các tình trạng chữa trị được, nhưng có thể không được chẩn đoán khi mọi người quy chúng đơn giản là hậu quả của tuổi già. Các chứng bệnh mãn tính khác, chẳng hạn như chứng viêm khớp, có thể hủy hoại giấc ngủ, nên điều quan trọng là đảm bảo rằng, những vấn đề này không bị bỏ qua khi chúng ta đối mặt với việc mất ngủ hoặc khó ngủ.

Bởi vậy đối với người già, việc cần thiết là tạo cảm giác thoải mái nhất cho cơ thể bằng cách điều trị hoặc làm giảm các triệu chứng gây khó chịu cho cơ thể để giúp họ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Cập nhật: 21/01/2020 Theo Vietnamnet, soha, Business Insider
  • 4,85
  • 3.362