Hiện nay, thị trường thuốc điều trị loãng xương có thêm một loại thuốc mới, chủ yếu dành cho phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh.
|
Biệt dược forteo, một loại thuốc mới điều trị bệnh loãng xương, chủ yêu dành cho phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh. (Ảnh: pharm.cch.org.tw) |
Loãng xương đã trở thành vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng. Đa số (chiếm 80%) người bị ảnh hưởng bởi loãng xương là phụ nữ.
Năm 1990, thế giới có khoảng 1,7 triệu trường hợp bị gãy cổ xương đùi do loãng xương. Dự báo tỷ lệ này đến năm 2020 sẽ tăng lên 6,3 triệu và 50% của con số này thuộc về các nước châu Á. Loãng xương là hậu quả của sự mất cân bằng giữa 2 quá trình tạo xương và hủy xương, nên thuốc điều trị loãng xương có thể chia làm 2 nhóm lớn: Thuốc giúp tạo xương và thuồc chống hủy xương.
Trong nhóm thuốc giúp tạo xương có thuốc giúp tăng đồng hóa (anabolic agents) được điều chế từ dẫn chất hormon sinh dục nam hay hormone cận giáp (parathyroid hormone – PTH).
Một thuốc mới là dẫn chất PTH có tên Teriparatide (biệt dược Forteo) vừa được chấp nhận sử dụng trong điều trị. PTH là một protein có đến 84 acid amin, nhưng chỉ có chuỗi 34 acid amin là có hoạt tính hormon.
Teriparatide thực chất là một protein tái tổ hợp do được điều chế bằng kỹ thuật tái tổ hợp DNA (vật chất di truyền) của công nghệ di truyền. Cấu tạo của teriparatide gồm 34 acid amin, là chuỗi acid amin của teriparatide có hoạt tính của hormon cận giáp PTH.
Cơ chế tác dụng của thuốc là khi đưa vào cơ thể nó sẽ gắn vào thụ thể của PTH ở xương để kích thích tạo thêm tế bào tạo xương nhằm tăng quá trình tạo xương.
Teriparatide được dùng ở dạng thuốc tiêm dưới da có độ khả dụng sinh học là 95%. Sau khi tiêm 30 phút, nồng độ thuốc trong máu đạt tối đa. Thời gian bán thải của thuốc trong huyết tương là 5 phút và sau 3 giờ tiêm dưới da, nồng độ thuốc giảm ở mức không phát hiện được thuốc được nữa.
Teriparatide được trình bày ở dạng ống tiêm 3ml (được đặt vào bút tiêm), được tiêm dưới da ở vùng bụng hoặc vùng da đùi. Liều dùng được khuyến cáo là 20 microgram tiêm một lần trong ngày. Người được tiêm thuốc được khuyên ngồi hay nằm để tránh tình trạng hạ huyết áp mà tư thế đứng có thể xảy ra.
Trước khi được chấp nhận dùng trong điều trị, teriparatide đã trải qua trên 20 thử nghiệm lâm sàng với số người tham gia nghiên cứu là 2.800 gồm phụ nữ mãn kinh và cả đàn ông bị loãng xương.
Thuốc này được ghi nhận kích thích sự thành lập xương, làm giảm nguy cơ gãy xương đốt sống, tăng mật độ xương ở phụ nữ mãn kinh bị loãng xương được điều trị trong 19 tháng.
Teriparatide được chỉ định điều trị cho phụ nữ mãn kinh có nguy cơ cao bị gãy xương, giúp tăng mật độ xương ở đàn ông bị loãng xương nguyên phát, hoặc cho người không đáp ứng với liệu pháp khác điều trị loãng xương trước đó.
Tác dụng phụ của thuốc này là gây nhức đầu, buồn nôn, đau lưng, buồn ngủ, chóng mặt, vọp bẻ. Teriparatide có thể làm tăng calci máu, calci niệu, acid uric máu, … và làm giảm magiê máu.
TS.DS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y Dược TP.HCM)