Khí thải của nhân loại nhiều gấp 100 lần phun trào của núi lửa

  •  
  • 106

Mỗi năm, hoạt động của con người thải ra lượng carbon, nguyên nhân khiến khí hậu nóng lên, gấp 100 lần so với khi tất cả các núi lửa trên trái đất hoạt động, một nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ được công bố hôm thứ ba cho biết.

Tại Đài quan sát Deep Carbon (DCO), một nhóm các nhà khoa học quốc tế gồm 500 người, đã phát hành một loạt các bài báo phác thảo cách carbon được lưu trữ, phát ra và tái hấp thu bởi các quá trình tự nhiên và nhân tạo.

Họ phát hiện ra rằng lượng khí thải carbon dioxide do con người thải ra vượt xa sự phát thải của núi lửa, nơi phát ra khí gas và thường được coi là tác nhân chính của biến đổi khí hậu đối với tốc độ nóng lên hiện nay.

Các phát hiện được công bố trên Tạp chí Elements, cho thấy chỉ hai phần mười của 1% tổng carbon của Trái đất, tức khoảng 43.500 tỷ tấn carbon là ở trên bề mặt đại dương, đất liền và trong bầu khí quyển của chúng ta. Phần còn lại là một con số đáng kinh ngạc: 1,85 tỷ tỷ tấn carbon được lưu trữ trong lớp vỏ và lõi của hành tinh chúng ta. Điều này cung cấp cho các nhà khoa học những manh mối về sự hình thành Trái đất hàng tỷ năm trước.

Lượng khí thải carbon dioxide do con người thải ra vượt xa sự phát thải của núi lửa.
Lượng khí thải carbon dioxide do con người thải ra vượt xa sự phát thải của núi lửa.

Được biết, một tỷ tấn tương đương với khoảng 3 triệu chiếc Boeing 747.

Bằng cách đo sự nổi bật của các đồng vị carbon nhất định trong các mẫu đá trên khắp thế giới, DCO đã có thể tạo ra một dòng thời gian kéo dài 500 triệu năm để lập bản đồ cách di chuyển của carbon giữa đất liền, trên biển và trên không.

Họ phát hiện ra rằng, hành tinh đã tự điều chỉnh nồng độ carbon dioxide trong khí quyển, một loại khí nhà kính gây ra sự nóng lên của Trái đất.

Thỉnh thoảng, đã xảy ra những ngoại lệ gây ra "những xáo trộn thảm khốc" đối với chu trình carbon của Trái đất, như những vụ phun trào núi lửa lớn hay cuộc tấn công của thiên thạch đã giết chết khủng long.

"Trước đây, chúng ta nghĩ rằng những nguồn carbon lớn này khi lên khí quyển đã gây ra sự nóng lên, gây ra những thay đổi lớn trong cả thành phần của đại dương", Giáo sư Marie Edmonds, khoa Khoa học trái đất tại trường cao đẳng Queen, Cambridge nói.

Nhóm nghiên cứu ước tính rằng tác động của vụ phun trào núi lửa Chicxulub cách đây 66 triệu năm đã giết chết 3/4 tổng số sự sống trên trái đất do nó giải phóng từ 425 đến 1.400 tỷ tấn khí CO2 từ lòng đất lên bề mặt trái đất.

Trong khi đó, theo thống kê, phát thải CO2 do tác động của con người trong năm 2018 là 37 tỷ tấn, cao nhất từ trước đến nay.

"Lượng CO2 thải vào khí quyển bởi hoạt động của con người trong 10-12 năm qua tương đương với sự thay đổi thảm khốc trong những sự kiện chúng ta đã thấy trong quá khứ của trái đất", Giáo sư Edmonds nói.

Phó Giáo sư Địa chất Celina Suarez tại Đại học Arkansas, cho biết khí thải nhân tạo hiện đại có "cường độ tương đương" như những cú sốc carbon trong quá khứ đã gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt.

"Chúng ta đang ở cùng một mức độ thảm họa carbon”, bà Celina Suarez cảnh báo.

Để so sánh, các nhà khoa học tính toán CO2 được giải phóng hàng năm bởi các núi lửa dao động trong khoảng 0,3 và 0,4 tỷ tấn, ít hơn khoảng 100 lần so với lượng khí thải của con người.

"Những người hoài nghi luôn đổ lỗi cho núi lửa như một ứng cử viên gây ra lượng khí thải CO2 hàng đầu, nhưng thực sự là không phải vậy", Giáo sư Edmonds nói.

"Một số người nói rằng Trái đất luôn tự cân bằng lại", bà Suarez nói. "Vâng, nó sẽ tự cân bằng lại, nhưng không phải trong một khoảng thời gian có ý nghĩa với con người".

Cập nhật: 04/10/2019 Theo nhandan
  • 106