Thêm nguyên tố 'siêu nặng' trong bảng tuần hoàn Mendeleev

  •  
  • 5.818

Bảng tuần hoàn Mendeleev sẽ được bổ sung thêm nguyên tố “siêu nặng” thứ 112. Đây là kết quả công trình thí nghiệm sau hơn một thập kỷ của nhóm nhà khoa học Đức.

Tuy nhiên, nguyên tố này chưa có tên. Theo giáo sư Sigurd Hofmann, trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu ion nặng, cần phải đề xuất một cái tên cho nguyên tố mà họ khám phá ra, trước khi nó chính thức được thêm vào bảng tuần hoàn.

Các thí nghiệm nung chảy mà giáo sư Hofmann cùng đồng nghiệp của ông tiến hành tại trung tâm cho thấy sự tồn tại của các nguyên tố với số lượng nguyên tử từ 107-111. Các nguyên tố này được gọi là “siêu nặng”, số hiệu của chúng đại diện cho số proton và neutron mà chúng mang.

Bảng tuần hoàn Mendeleev sẽ được bổ sung thêm nhiều nguyên tố mới.

Để tạo ra nguyên tố thứ 112, đội của giáo sư Hofmann đã sử dụng máy gia tốc có đường hầm dài 120 m để đốt tia nguyên tử kẽm tích điện. Hạt nhân của hai nguyên tố kết hợp với nhau tạo thành hạt nhân của một nguyên tố mới, nặng nhưng không bền. Chúng bắt đầu chia tách hoặc phân rã ngay sau khi hình thành trong vòng vài phần nghìn giây. Dựa vào năng lượng đo được trong thí nghiệm, các nhà khoa học đã tính kích thước của hạt nhân phân rã.

Những thí nghiệm như vậy cho tỷ lệ thành công không lớn, vì thời gian tồn tại của nguyên tố mới là cực ngắn. Do đó, các nhà khoa học tăng sức mạnh cho máy gia tốc để tiến hành thí nghiệm lâu hơn và tìm ra được các nguyên tố không bền và khó kiếm khác. Đây là lý do tại sao phải mất một thời gian dài để tìm ra nguyên tố 112, được Hiệp hội Hóa học nguyên chất và ứng dụng (IUPAC) chính thức công nhận.

IUPAC tạm thời đặt tên nguyên tố là ununbium, với tiền tố “ununbi” là từ phái sinh của số đếm “một một hai” trong tiếng Latinh, nhưng nhóm của giáo sư Hofmann thấy rằng cần phải đề xuất một cái tên chính thức cho nguyên tố này.

Giáo sư Hofmann cũng tiết lộ mục tiêu cao hơn: “Chúng tôi đang tiến hành các thí nghiệm tương tự để tìm ra nguyên tố 120. Hiện nguyên tố này chưa xuất hiện nhưng chúng tôi tin nó tồn tại và với thời gian đốt cháy các tia đủ dài, thì nó sẽ xuất hiện”.

Theo Báo Đất Việt (BBC)
  • 5.818