Với hai camera và một hình nộm cao su, các nhà khoa học có thể đánh lừa bộ não khiến người làm thí nghiệm nhầm ma nơ canh là cơ thể của mình.
“Bằng cách điều chỉnh các cảm biến, chúng tôi làm một người mất hết cảm giác trên cơ thể đồng thời cảm nhận được những những tác động trên một cơ thể khác”, Henrik Ehrsson, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
|
Nghiên cứu viên Valeria Petkova tác động cùng một cảm giác đến đối tượng nghiên cứu và hình nộm. |
Các nhà thần kinh học tại Viện Y học Karolinska, Thụy Điển, gắn 2 camera lên đầu hình nộm. Cùng lúc đó, họ nối các camera trên với hai màn hình nhỏ gắn chặt vảo mắt người tình nguyện khiến người này có thể thấy những gì mà hình nộm “nhìn”. Vì thế, khi “con mắt” camera của hình nộm tự nhìn thẳng vào mình thì người tình nguyện được tiến hành thí nghiệm cũng có cảm giác là anh ta đang nhìn vào chính mình.
Khi nghiên cứu viên dùng 2 chiếc que cùng đồng thời chạm vào bụng của người tình nguyện và hình nộm, anh ta có thể nhìn thấy chiếc que chạm vào bụng của hình nộm và cảm nhận (nhưng không nhìn thấy) chiếc que chạm vào bụng mình. Kết quả là người tình nguyện sẽ có một cảm giác mạnh mẽ rằng cơ thể hình nộm chính là cơ thể mình.
Trong một thí nghiệm khác, camera được gắn vào đầu một người khác. Khi người này và người tình nguyện quay mặt vào nhau và bắt tay nhau, người tình nguyện cảm nhận người đeo camera mới chính là anh ta.
“Người tình nguyện sẽ nhìn thấy mình bắt tay từ góc nhìn của người kia, vì thế lại cảm nhận rằng cơ thể anh ta là người khác” - Valeria Petkova thành viên nhóm nghiên cứu, cộng sự của giáo sư Ehrsson cho biết thêm –
“Những cảm giác nhận được từ người khác sẽ khiến cho người tình nguyện cảm thấy cơ thể không còn phải là của mình". Sức mạnh của ảo giác này đã được khẳng định khi người tình nguyện cố tình nắm chặt tay khi tay của người đeo camera cầm một con dao, trong khi chính tay người tình nguyện lại chẳng có gì. Ảo giác này cũng xảy ra khi hai người thí nghiệm không giống nhau, thậm chí là một nam giới và một phụ nữ. Tuy nhiên, nó lại không thể đánh lừa con người ta nhận nhầm với một vật vô tri như với một cái ghế hay một viên gạch to.
Thí nghiệm cho ta thấy rõ hơn cách mà bộ não tự xây dựng hình ảnh cơ thể mình. Các nhà khoa học tham gia dự án cũng khẳng định với khả năng kiểm soát cảm xúc, người ta có thể làm một người khác tin rằng một cơ thể mới là của mình, điều này rất hữu dụng trong các lĩnh vực thực tế ảo và công nghệ chế tạo robot.