Thiên thạch lớn "bằng ngọn núi" đang tiến đến gần Trái đất

  •  
  • 1.711

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang theo dõi một tiểu hành tinh "có thể gây nguy hiểm" có kích thước bằng một ngọn núi đang tiến đến gần Trái đất với tốc độ hơn 67.000km/h.

Thiên thạch này dự kiến bay ngang qua Trái Đất lúc 16h45 ngày 21/5, theo giờ ban ngày miền Đông Mỹ - EDT (tức 3h45 ngày 22/5 theo giờ Việt Nam), và may mắn là ở một khoảng cách an toàn, theo Korea Times.

"Các tiểu hành tinh có thể gây nguy hiểm đang được xác định dựa trên các thông số đo lường khả năng tiểu hành tinh này tiếp cận Trái Đất một cách đe dọa", NASA cho biết.

"Cụ thể, tất cả các tiểu hành tinh có khoảng cách giao nhau quỹ đạo tối thiểu 0,05 (đơn vị thiên văn) trở xuống và độ lớn tuyệt đối từ 22,0 trở xuống đều được xem là tiểu hành tinh có thể gây nguy hiểm".

Hình ảnh mô phỏng của NASA về tiểu hành tinh có kích thước bằng một ngọn núi.
Hình ảnh mô phỏng của NASA về tiểu hành tinh có kích thước bằng một ngọn núi. (Ảnh: NASA).

Tiểu hành tinh nói trên - được Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất (CNEOS) của NASA xác định là 1997 BQ - lớn gần gấp đôi tòa nhà Burj Khalifa ở Dubai, cấu trúc nhân tạo cao nhất thế giới.

Nó được quan sát thấy lần đầu tiên vào ngày 16/1/1997. Sau khi phân tích quỹ đạo của nó, NASA kết luận rằng tiểu hành tinh này đi theo quỹ đạo rộng quanh Mặt Trời, trên mặt phẳng giữa sao Hỏa và sao Mộc.

Khi di chuyển xung quanh Mặt trời, tiểu hành tinh thỉnh thoảng giao nhau với quỹ đạo của Trái đất. Do đó, nó đã được coi là một thành viên của nhóm thiên thạch Apollo.

Kích thước khổng lồ và quỹ đạo gần Trái đất của nó là những lý do chính khiến 1997 BQ được xếp vào loại thiên thể có thể gây nguy hiểm.

Cập nhật: 21/05/2020 Theo Zing
  • 1.711