Một số chuyên gia cho rằng mỗi công ty nên tuyển thêm một "cậu nhóc" 14 tuổi vào ban quản trị vì chúng rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt và đánh giá vai trò của thiết bị di động trong đời sống số.
Chuyên gia Tim Bajarin của eSeminarlive.com - website đăng các bài viết chuyên đề về công nghệ - cho biết những người ở độ tuổi 12 - 24 thường được hỏi ý kiến mỗi khi bạn bè, bố mẹ, ông bà... mua máy tính và thiết bị điện tử gia dụng.
|
Ảnh: TheTechGap. |
Trước đây, "khoảng cách thế hệ" được xếp vào một trong những vấn đề mang tính xã hội, còn ngày nay nó đã trở thành một rắc rối về mặt công nghệ. Cháu trai 15 tuổi của Bajarin từng phàn nàn về điện thoại của cậu và cho biết "những người sản xuất nên đến gặp chúng cháu để biết chúng cháu thực sự muốn gì".
5 năm qua, người ta đã nhìn nhận nghiêm túc hơn về sự đa dạng của các thế hệ trong việc chấp nhận và sử dụng công nghệ. Chẳng hạn, người trên 65 tuổi không muốn "luôn luôn kết nối" như giới trẻ nhưng lại quan tâm đến e-mail, ảnh số, nhất là đàm thoại video bởi họ có thể thấy mặt con cháu mình. Một trong những sản phẩm dành riêng cho nhóm tuổi này là chiếc Jitterbug với phím bấm lớn cùng các tính năng cơ bản do Martin Cooper, "cha đẻ" của điện thoại di động, thiết kế.
Trong khi đó, thế hệ được sinh ra trong giai đoạn 1965 - 1980 về cơ bản lớn lên cùng sự phát triển của công nghệ hiện đại, do đó họ cảm thấy tương đối dễ dàng khi tiếp cận với các thiết bị điện tử. Nhưng lúc này, gia đình và sự nghiệp mới là điều quan trọng, bởi vậy, họ sẽ chỉ "cởi mở" với công nghệ nếu nó cải thiện đời sống của họ, như giúp giữ liên lạc với con cái, quản lý công việc, lịch trình và giải trí...
Còn Internet, đầu máy chơi game, SMS và những thứ tương tự lại thuộc về giới "tuổi teen". Đối với chúng, thế giới này đã luôn là "thế giới số" và càng nhỏ tuổi, chúng càng xa lạ với cuộc sống analog của điện thoại quay số, máy đánh chữ...
Nhìn chung hiện nay, tiêu chí của các hãng công nghệ không còn là "cho ra mắt một sản phẩm phù hợp mọi lứa tuổi" mà là "đem đến cho người sử dụng cái họ thực sự cần, chứ không phải cái mà chúng ta nghĩ là họ cần".