Thiết bị giúp Facebook đọc não người dùng

  •  
  • 869

Đây chỉ là một trong những nỗ lực của Facebook để giải mã cách bộ não người hoạt động.

Facebook vừa công bố mua lại CTRL-Labs, startup phát triển thiết bị giao tiếp giữa bộ não và máy tính. Đây có thể là bước quan trọng để công ty này hướng tới mục tiêu "đọc" não người dùng.

Theo Bloomberg, Facebook có thể đã chi tới 1 tỷ USD để mua lại CTRL-Labs. Đây trở thành một trong những thương vụ lớn nhất của Facebook, và là thương vụ phần cứng lớn nhất sau khi công ty này mua Oculus với giá 2 tỷ USD vào năm 2014.

Vòng tay giúp đọc tín hiệu cử chỉ từ não người do CTRL-Labs phát triển.
Vòng tay giúp đọc tín hiệu cử chỉ từ não người do CTRL-Labs phát triển. (Ảnh: The Verge).

"Tầm nhìn của dự án này là làm ra một vòng đeo tay cho phép người dùng điều khiển thiết bị bằng các cử chỉ tự nhiên. Các neuron ở tủy sống sẽ chuyển tín hiệu từ bộ não đến các cơ bắp trên bàn tay, ra lệnh cho nó chuyển động. Vòng tay sẽ giải mã các tín hiệu đó và chuyển thành tín hiệu số mà thiết bị có thể hiểu, cho phép bạn điều khiển cuộc sống số của mình.

Chiếc vòng có thể nắm bắt được ý định của người dùng, nên bạn có thể chia sẻ bức ảnh chỉ bằng một cử chỉ nhỏ, hoặc chỉ cần nghĩ về việc đó", Andrew Bosworth, Giám đốc phần cứng tại Facebook giải thích.

Cách hoạt động của CTRL-Labs nghe rất hứa hẹn, bởi nó có thể giúp cho việc điều khiển các thiết bị thực tế ảo VR, AR đơn giản hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng chính thương hiệu của Facebook có thể ảnh hưởng tới sản phẩm mà CTRL-Labs đang phát triển.

"Vấn đề là công nghệ mà CTRL-Labs đang làm ra có thể sẽ thiếu hẳn ý nghĩa khi Facebook sở hữu họ thay vì bất cứ ai khác. Thực tế đây cũng là vấn đề của Oculus: tiền của Facebook thì rất hữu ích, nhưng thương hiệu của họ cũng rất tai tiếng", nhà phân tích Ben Thompson của Stratechery nhận xét.

Đây không phải nỗ lực duy nhất của Facebook để nghiên cứu cách bộ não hoạt động. Tháng 7 vừa qua, công ty này tuyên bố sẽ kết hợp với các nhà nghiên cứu tại đại học California để tạo ra thiết bị giao tiếp, giúp giải mã tín hiệu trong bộ não từ hành động nói chuyện.

Cập nhật: 05/10/2019 Theo Zing
  • 869