Thiết bị y tế cho nước nghèo

  •  
  • 524

Tổ chức Y tế thế giới ước tính có đến 3/4 thiết bị y tế quyên góp từ phương Tây hoàn toàn vô dụng ở các nước nghèo nhất thế giới.

Thiết bị điều áp, công nghệ cảm biến hồng ngoại và máy quét siêu âm là một số những thiết bị thừa thãi ít khi nào được sử dụng tại các nước nghèo trên thế giới. Lý do là đối tượng bệnh nhân ở nước nghèo hoàn toàn khác với các quốc gia phát triển. Đó là chưa kể các yếu tố khách quan khác như thiếu điện, không có phụ tùng thay thế và chẳng có chuyên viên được đào tạo bài bản để sử dụng những thiết bị kỹ thuật cao này.

Trước tình trạng hao phí một cách vô ích như trên, Viện Công trình cơ khí (IMechE) của Anh đã kêu gọi thế giới hãy chế tạo những công nghệ phù hợp hơn trong điều kiện các quốc gia đang phát triển. Theo báo Guardian dẫn lời các chuyên gia IMechE, cái mà các nước nghèo cần không phải là thiết bị công nghệ lạc hậu, mà phải có hướng tiếp cận khác.

Trong cuộc họp tổ chức tại London, IMechE đã quy tụ được các kỹ sư, chuyên gia y tế, các nhà hảo tâm và quỹ phúc lợi nhằm tìm ra phương pháp tối ưu để tránh tình trạng thiết bị y tế cứ tiếp tục đóng bụi trong khi điều kiện chăm sóc sức khỏe chẳng được cải thiện.

Xe cấp cứu lừa và thiết bị trợ thính Hearware - (Ảnh: IMechE)
Xe cấp cứu lừa và thiết bị trợ thính Hearware - (Ảnh: IMechE)

Tại hội nghị, các sản phẩm được thiết kế đặc biệt cho các quốc gia đang phát triển đã được giới thiệu. Có thể kể đến núm vú tiện dụng dành cho các bà mẹ có HIV nhưng vẫn có thể cho con bú một cách an toàn; xe cấp cứu lắp ráp từ một chiếc xe máy đèo thêm thùng xe bên cạnh; ống nghe có thể kết nối điện thoại di động cho phép các bác sĩ theo dõi được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ở xa. Trong số đó, chiếc ống nghe theo dõi nhịp tim là một phát minh cực kỳ ấn tượng.

Theo đó, bộ phận microphone trong điện thoại di động được sử dụng làm ống nghe để phân tích và ghi nhận nhịp tim của bệnh nhân. Thiết bị này chủ yếu theo dõi các bệnh nhân bị chứng viêm màng ngoài tim lao, vốn ảnh hưởng khoảng 10% các bệnh nhân bị lao phổi cũng như có tỷ lệ tử vong cao bất thường, đến 40%.

Ngoài ra, những tổ chức tham gia còn mang đến các giải pháp tiện lợi mà không cần phải áp dụng công nghệ cao, như xe cấp cứu trên lưng lừa của tổ chức HealthProm, đặc biệt dành cho các làng mạc xa xôi ở tại Afghanistan. Một thiết bị khác là máy trợ thính chạy bằng năng lượng mặt trời tên Hearware, hoạt động theo nguyên lý truyền động xương, chuyển các rung động âm thanh đến thẳng ốc tai, phù hợp với hiện trạng mất khả năng thính giác do viêm tai ở nhiều nước đang phát triển. Pin sạc bằng năng lượng mặt trời có thời gian sử dụng đến 3 ngày, và mỗi lần sạc cần 4 giờ dưới nắng, theo Đại học Glasgow.

Tiến sĩ Patrick Finlay, đứng đầu bộ phận y khoa của IMechE, cho hay: “Những công nghệ đơn giản, rẻ tiền được chế tạo đặc biệt cho nhu cầu của các nước phát triển có thể cứu sống được hàng ngàn người”. Theo ông, điều này phụ thuộc vào các tổ chức khoa học trên thế giới có nhiệt tâm và động lực mạnh mẽ hay không để đưa những sản phẩm có ích đến người nghèo. Phần lớn các thiết bị được đề cập ở trên cần được thử nghiệm trên thực tế cũng như thu hút được nguồn đầu tư thích hợp trước khi đến tay người cần.

Theo Thanh Niên
  • 524