Phần lớn, nếu không nói là cả xã hội, đều phàn nàn rằng họ luôn thiếu ngủ. Nhưng điều đó chỉ là tưởng tượng, một trong những nhà nghiên cứu về giấc ngủ hàng đầu thế giới, giáo sư Jim Horne, người Anh, khẳng định.
Nhờ những khẳng định thường xuyên rằng tổ tiên xưa kia ngủ nhiều hơn chúng ta ngày nay, thật dễ hiểu tại sao mọi người nghĩ rằng mình thiếu ngủ triền miên.
"Thực tế là, hầu hết chúng ta đều đang được ngủ nhiều hơn mức cần thiết - chúng ta chỉ tự huyễn hoặc mình rằng đang mất ngủ kinh niên mà thôi", Jim Horne nói.
Năm 1894, Tạp chí Y học Anh đã chạy một dòng tít cảnh báo rằng cuộc sống hiện đại "vội vã và náo nhiệt" dẫn đến chứng mất ngủ trên diện rộng. "Nhưng tôi lại cho rằng chưa bao giờ tốt hơn ngày nay", ông nói.
Không giống như một người công nhân điển hình của 150 trước, những người làm việc quần quật 14 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần và trở về nhà trên chiếc giường đầy bọ chét và chật ních người, hầu hết chúng ta ngày nay được ngủ thoải mái hơn nhiều.
Từng có vài nghiên cứu trên quy mô lớn trong 40 năm qua rằng chúng ta dành bao nhiêu thời gian trên giường. Phát hiện cho thấy trung bình người lớn khỏe mạnh ngủ khoảng 7 đến 7,5 tiếng mỗi đêm.
Cái "thực tế" mà mọi người thường nhắc đi nhắc lại rằng cha ông chúng ta ngủ nhiều hơn, khoảng 9 tiếng, là một sự hoang tưởng, và xuất phát từ một nghiên cứu ở California vào năm 1913, rằng trẻ em tuổi từ 8 đến 17 cần ngủ 9 tiếng mỗi ngày.
Vậy thì bạn nên biết rằng ngay cả ngày nay, con số đó vẫn đúng với lứa tuổi này - các phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên sẽ chứng thực điều đó! Nhưng người lớn không cần ngủ nhiều như vậy. Một số người chỉ ngủ 5 tiếng mỗi đêm, trong khi số khác cần 7 tiếng.
Bộ phận duy nhất trên cơ thể bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu ngủ - và phải là vài ngày không ngủ - đó là bộ não. Các kiểm tra đã chứng tỏ rằng chẳng có sự khác biệt về thể chất nào trong các bó cơ hay nội tạng khi bạn ngủ đủ so với khi bạn chỉ nằm và vẫn thức.
Tuy nhiên não bộ lại là vấn đề khác. Nó cần ngủ. Mặc dù chỉ chiếm 2% cân nặng của bạn, song nó sử dụng đến 20% năng lượng bạn tiêu thụ vào người.
Và mặc dù hầu hết chúng ta đều ngủ đủ giấc, nhưng cả một ngành công nghiệp đã nổi lên để giúp chúng ta khắc phục "trục trặc với giấc ngủ". Tôi cảnh báo rằng điều đó có thể là mất tiền oan.
Các chuyên gia cũng đưa ra một số lời khuyên để bạn có được giấc ngủ thực sự:
Nhiệt độ phòng: Lý tưởng là 18 độ C, đảm bảo cho thân nhiệt xuống thấp đến mức dễ ngủ. Nếu trên 24 độ C, não sẽ không gửi tín hiệu để kích hoạt giấc ngủ. Nếu phòng quá lạnh, dưới 12 độ C, cơ thể sẽ vật lộn để duy trì thân nhiệt và khiến bạn khó chợp mắt.
Chăn: Nên có chăn riêng cho mùa đông và chăn cho mùa hè
Thông gió: Luôn mở một cửa sổ, ngay cả trong mùa đông. Không khí tươi mới sẽ giúp bạn ngủ sâu.
Giường: Đừng keo kiệt khi mua giường, bởi đó là thứ bạn sẽ dùng 25 năm trong đời. Một người bình thường sẽ tiết ra khoảng 0,3 lít mồ hôi trong đêm và thay đổi tư thế 40-60 lần. Hãy chọn một chiếc nệm dày dặn, chắc chắn. Đệm nên thay sau 12 năm.
Ga giường: Tốt nhất là bằng coton và linen để thấm mồ hôi.
Dầu oải hương: Nên xức một chút xíu dầu oải hương lên gối và trong không khí. Nó sẽ giúp tăng chất lượng giấc ngủ lên 20%.
Bộ đồ ngủ: Rộng rãi và làm bằng sợi thiên nhiên.
Chuông báo thức: Tắt đi hoặc tốt nhất là không dùng. Chuông báo thức khiến bạn căng thẳng.
Rèm cửa: Càng dày càng tốt. Lý tưởng nhất là phòng phải tối hoàn toàn cho đến 4 giờ sáng để có giấc ngủ tối ưu.
Tivi: Không nên đặt trong phòng ngủ.
Bạn đời: Nếu vợ hoặc chồng bạn hay trở mình hoặc ngáy to, tốt nhất nên ngủ riêng giường. "Những người có giấc ngủ không sâu thường có tỷ lệ ly hôn cao và việc ngủ riêng giường có thể cải thiện chứ không phải là phá hủy đời sống tình dục", giáo sư Neil Stanley cho biết.