"Thóc khảo cổ" bị đe dọa sự sống bởi thời tiết

  •  
  • 198

Những cây "mạ khảo cổ" đang phát triển bình thường trong điều kiện tự nhiên tại Viện Di truyền Nông nghiệp. Song thời tiết khắc nghiệt của mùa hè rất có thể sẽ đe dọa đến sự sống cũng như khả năng sinh trưởng của cây lúa.

Phía đơn vị khai quật khảo cổ thành Dền thì chờ đợi, khi lúa cho thu hoạch sẽ gửi mẫu vật ra nước ngoài để xác định niên đại chính xác của “thóc khảo cổ”.

Gặp bất lợi do trái vụ

Ngày 18/5, phóng viên đã tìm đến Viện Di truyền Nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) để thực mục sở thị “thóc khảo cổ” nảy mầm. Tại đây, những “cây mạ khảo cổ” được trồng vào khay nhựa, bảo quản kỹ lưỡng trong nhà lưới 2 lớp để tránh sự xâm phạm của chim, chuột và con người. Chúng nhận được sự chăm sóc của Tiến sĩ Phạm Xuân Hội, Trưởng bộ môn Bệnh học phân tử.

Tiến sĩ Hội cho hay, ông rất ngạc nhiên khi nhận được thông tin từ các nhà khảo cổ về mầm mạ có niên đại cách đây 3.500 năm.

Qua 6 ngày chăm sóc ngoài tự nhiên (tưới nước giữ ẩm hằng ngày) tại Viện di truyền, những “cây mạ khảo cổ” phát triển hết sức bình thường, không có gì đặc biệt. Đến nay, Viện đã nhận được 10 cây mạ được nghi vấn có tuổi 3.500 năm.

Ông Hội cũng gieo thêm mạ bằng những giống lúa của Việt Nam và Ấn Độ để làm đối chứng.

Khi được hỏi về khả năng trổ bông, ra hạt của “cây mạ khảo cổ”, ông Hội cho biết do cây lúa sinh trưởng vào thời điểm trái vụ nên không khẳng định được có khả năng cho hạt tốt vào mùa hè hay không.

“Nếu trong trường hợp cây lúa có nguy cơ bất lợi bởi thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc, chúng tôi sẽ dùng phương pháp tách chồi trong phòng thí nghiệm để bảo quản giống và tiếp tục trồng vào thời vụ tới,” ông Hội nói.

Theo ông Hội, quá trình sinh trưởng của lúa hiện tại thường là hơn 3 tháng, còn với lúa ngày xưa, thời gian có thể kéo dài tới 5-6 tháng. Ông cũng rất hồi hộp đợi chờ kết quả ra bông kết trái của cây lúa khảo cổ này.

Sẽ gửi ra nước ngoài để xác định niên đại

Chuyên gia Bùi Hữu Tiến (Bảo tàng Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), một trong những người trực tiếp xử lý hố khai quật di chỉ thành Dền khẳng định, những hạt thóc trên được tìm thấy ở tầng văn hóa Đồng Đậu.

Trước thông tin cho rằng, có thể những hạt thóc này được chuột tha xuống tầng văn hóa trên, anh Tiến cho hay đó chỉ là ý kiến chủ quan của người chưa trực tiếp đến hố khai quật.

“Những hạt thóc trên được tìm thấy ở độ sâu từ 1m-1,3m, và chúng tôi không hề thấy vết đào, hay lỗ chuột cũng như rơm, rạ, chẽ thóc để làm cơ sở cho rằng thóc này do chuột tha xuống,” anh Tiến lý giải.

Anh cũng cho hay, các nhà khảo cổ không sử dụng phương pháp đồng vị carbon (C14) để xác định tuổi của hạt thóc bởi phương pháp này không cho kết quả tối ưu. Ngoài ra, họ sẽ phải tốn rất nhiều mẫu vật mới có thể áp dụng C14, trong khi cả đoàn chỉ thu lượm được hơn 100 hạt thóc cổ.

Từ đó, anh Tiến cho hay sau khi những “cây mạ khảo cổ” ra bông kết hạt, các chuyên gia sẽ gửi hạt thóc ra nước ngoài để xác định niên đại bằng phương pháp AMS.

Cũng theo vị chuyên gia này, AMS là phương pháp hiện đại và có độ chính xác tuyệt đối, song lại rất đắt. Do đó, đoàn khảo sát sẽ trao đổi với Bảo tàng Hà Nội (đơn vị cung cấp kinh phí cho chuyến khai quật thành Dền) để hỗ trợ. Nếu không, họ sẽ tìm tài trợ từ các nguồn khác để việc giám định niên đại được tiến ra trong thời gian sớm nhất./.

Theo Vietnam+
  • 198