Thông mạch vành kỹ thuật mới: Mổ 5 giờ, khoẻ chục năm

  •   44
  • 7.759

(Ảnh tư liệu: Hoàng Định)

Khoa Ngoại Tim mạch - BV ĐH Y Dược TP.HCM vừa áp dụng kỹ thuật mới: bắc cầu mạch vành bằng 2 động mạch ngực, giúp thông cùng lúc 4-5 chỗ tắc nghẽn; thời gian tồn tại của cầu khoảng 10-15 năm. 

Ông Đỗ Văn Đ. (55 tuổi, Gò Vấp) đã bị đau thắt ngực suốt 5 năm nay, và thường xuyên phải điều trị bằng thuốc. Nhưng cách đây một tháng, ông Đ. phải đi cấp cứu vì bị cơn nhồi máu cơ tim. Qua chụp mạch vành kiểm tra, các bác sĩ phát hiện, bệnh nhân bị hẹp nhiều nhánh mạch vành.

Một bệnh nhân bị tắc nghẽn nhiều chỗ ở mạch vành nên không thể giải quyết dứt điểm bằng cách đặt quá stent. Trong khi đó, với phẫu thuật bắc cầu mạch vành truyền thống bằng các mạch máu dưới chân hay tay, sau 5 năm, 70% các cầu nối này sẽ bị tái tắc nghẽn.

Do đó, ngày 5/10, các bác sĩ Phân khoa Ngoại Tim mạch - BV ĐH Y Dược TP.HCM đã áp dụng một kỹ thuật mới, bắc cầu mạch vành bằng 2 động mạch ngực. Một ngày sau, bệnh nhân đã được rút ống đặt nội khí quản và có thể ra khỏi phòng chăm sóc.

Cầu nối "chạy tốt" 10-15 năm! 

Bệnh mạch vành đang ngày càng nhiều và ngày càng nặng, do các yếu tố thuận lợi gia tăng như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, lối sống ít vận động,... Những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành thường bị đau ngực, nặng ngực nhất là mỗi khi gắng sức. Mạch vành bị hẹp dần do những mảng xơ vữa đến một mức độ nào đó sẽ khiến bệnh nhân bị những cơn đau thắt thất thường, thậm chí có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. 

BS. Nguyễn Hoàng Định - Trưởng phân khoa Ngoại Tim mạch cảnh báo, "bệnh nhân mắc các bệnh mạch vành đang ngày càng trẻ hóa. Đối với các bác sĩ tim mạch, bệnh nhân dưới 60 nghĩa là vẫn còn "trẻ".

Để điều trị, người ta thường đặt stent. Nhưng 10-15% bệnh nhân không thể đặt stent do bị hẹp nhiều chỗ, hoặc do đoạn hẹp mạch vành ở vào vị trí khá đặc biệt, nên khi đặt stent có thể khiến bệnh nhân đột tử ngay lúc đó. Chính vì vậy, các chuyên gia tim mạch mới dùng phương pháp phẫu thuật bắc cầu mạch vành."


Một ca mổ tim tại Khoa Ngoại Tim mạch - BV ĐH Y Dược. (Ảnh: Hoàng Định)


Bắc cầu mạch vành truyền thống là lấy mạch máu lành như mạch máu ở chân hay ở cánh tay, hay động mạch ngực trong bên trái để làm cầu nối. Nhưng vấn đề đặt ra là "cây cầu nối" này tồn tại được bao lâu?

"Sau 5 năm, 70% cầu nối bằng tĩnh mạch hiển ở chân sẽ bị tắc. Động mạch quay ở tay cho kết quả tốt hơn, nhưng do cơ dày quá dễ gây co thắt. Trong khi đó, động mạch ngực trong là tốt nhất. 98% cầu nối bằng động mạch ngực trong sau 10-15 năm vẫn thông suốt.

Tuy nhiên, đối với bệnh nhân bị quá nhiều chỗ tắc hẹp, một động mạch ngực trong bên trái là không đủ. Sau khi được chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia phẫu thuật tim mạch của Pháp, chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật bắc cầu cho nhiều nhánh mạch vành bằng cả hai động mạch chủ trong bên trái và bên phải,"
BS. Hoàng Định cho biết.

Động mạch chủ trong là động mạch nuôi ngực. Tuy nhiên, tại vùng này có một hệ thống mạch máu khá dày đặc, nên việc sử dụng cùng một lúc hai động mạch ngực không ảnh hưởng gì lớn.

Các bác sĩ sẽ tách rời hoàn toàn động mạch ngực trong bên phải, sau đó nối thành hình chữ Y với động mạch ngực trong bên trái. Sau đó hai nhánh chữ Y này bao vòng quanh quả tim. Nhánh đầu tiên của động mạch ngực trong bên trái sẽ được bắc cầu qua chỗ tắc quan trọng nhất. Còn đoạn động mạch ngực bên phải sẽ lần lượt nối qua những nhánh mạch vành bị tắc hẹp.

6 tháng qua, các bác sĩ tại đây đã tiến hành phẫu thuật cho 15 ca mạch vành, trong đó có cả bệnh nhân mắc bệnh béo phì và suy thận. Hiện chưa có ca nào gặp biến chứng. Một ca mổ này có thể kéo dài khoảng 5-6 giờ đồng hồ. Chi phí cho một ca mổ là 65 triệu đồng. Với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế, chi phí hoàn lại tối đa là 20 triệu đồng.

Theo VietNamNet
  • 44
  • 7.759