Thông quan điện tử tại TPHCM: Bộc lộ nhiều khiếm khuyết

  •  
  • 128

Hơn một tháng thực hiện thí điểm thông quan điện tử tại TPHCM, đã đạt được nhiều kết quả, thế nhưng để bước hiện đại hóa này đạt được những mong muốn như tiêu chí đề ra thì còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.

Mới là kết quả ban đầu

Theo Cục Hải quan TPHCM, triển khai thủ tục hải quan điện tử là nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch hiện đại hóa ngành hải quan trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Trên tinh thần đó, qua một tháng (từ ngày 4-10 đến 4-11) thực hiện thí điểm thông quan điện tử tại TPHCM, Chi cục Hải quan Điện tử TPHCM đã xử lý 576 tờ khai, gồm 509 tờ khai nhập khẩu và 67 tờ khai xuất khẩu. 

Nhân viên Chi cục Hải quan điện tử TPHCM sử dụng chương trình thông quan điện tử

Cụ thể: xuất khẩu có 67 tờ khai luồng xanh; nhập khẩu có 216 tờ khai luồng xanh, 269 tờ khai luồng vàng và 24 tờ khai luồng đỏ. Tờ khai luồng vàng gồm hàng thuộc diện kiểm định, hàng bắt buộc có giấy phép, hàng phải đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước, doanh nghiệp có nợ thuế, hàng nộp thuế ngay… và phân luồng đỏ gồm hàng thuộc diện phải dán tem, hàng có nghi ngờ về thuế suất.

Được biết, thời gian làm thủ tục và thông quan hàng hóa của luồng xanh 3-10 phút, luồng vàng 20-30 phút, luồng đỏ 1-3 tiếng đồng hồ. Việc nhận hàng, xuất hàng để hải quan xác nhận hàng đã thực nhập, đã thực xuất tùy thuộc vào việc chuẩn bị hồ sơ giao nhận hàng, phương tiện vận tải và các hoạt động nghiệp vụ khác của các cơ quan hữu quan…

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Điện tử TPHCM, tổng số doanh nghiệp được cấp giấy công nhận tham gia thủ tục hải quan điện tử là 25 doanh nghiệp, song mới có 20 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan. Từ 20 doanh nghiệp này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 51,29 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 16 triệu USD, nhập khẩu đạt 35,29 triệu USD. Từ đây cũng tính được tổng số thuế phải thu là 102 tỷ đồng, số thuế đã thu được 23,4 tỷ đồng.

Điện tử vẫn làm... thủ công

Theo nhận định từ Chi cục Hải quan Điện tử TPHCM, những kết quả đạt được như ở trên khá khả quan, nhưng cũng chỉ là bước đầu. Hiện thông quan điện tử vẫn còn nhiều khâu phải xử lý thủ công, cụ thể: khi doanh nghiệp có đơn đề nghị sao trích nội dung giấy phép thì Chi cục Hải quan Điện tử cấp phiếu theo dõi trừ lùi giấy phép và trả lại doanh nghiệp.

Trên thực tế, các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan khi nộp giấy phép để trừ lùi số lượng đều không đồng ý để Chi cục Hải quan Điện tử lưu giữ giấy phép cho nên việc theo dõi giấy phép trừ lùi hiện nay, Chi cục Hải quan Điện tử thực hiện như khi làm thủ tục hải quan thủ công.

Hiện tại, chưa có quy định về xác định giá tính thuế, kiểm tra sau thông quan, thu thập xử lý thông tin, quản lý rủi ro và kiểm soát hải quan áp dụng cho thủ tục hải quan điện tử, toàn bộ đang thực hiện theo quy trình thủ công, không phù hợp đối với thủ tục hải quan điện tử. Việc phải xử lý thủ công càng cụ thể hơn theo như quy định tại quyết định 50/2005/QĐ-BTC: Doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm trong việc tính thuế, khi doanh nghiệp khai điện tử thì thông qua hệ thống cơ quan hải quan kiểm tra việc tính thuế.

Thế nhưng chương trình chưa tự động thực hiện được, Chi cục Hải quan Điện tử phải sử dụng chương trình tính thuế tự xây dựng riêng để kiểm tra việc tính thuế. Bên cạnh đó, phần lớn các chính sách mặt hàng của các bộ ngành biểu thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được mã hóa; biểu thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế ưu đãi theo từng khối nước, từng nước không được tập hợp đầy đủ nên việc phân luồng hoàn toàn thực hiện bằng thủ công.

Phần mềm chưa hoàn thiện

Đầu tiên là vấn đề chỉnh sửa tờ khai của doanh nghiệp. Do chương trình chưa thiết kế các nội dung khai báo lý do đề nghị chỉnh sửa tờ khai của doanh nghiệp, thông báo tự động trạng thái tờ khai đề nghị chỉnh sửa của doanh nghiệp và trình tự các bước thủ tục chỉnh sửa tờ khai thiết kế trên chương trình chưa hợp lý, cho nên những trường hợp tờ khai có chỉnh sửa thường được xử lý chậm. Do đó cơ quan hải quan phải thường xuyên kiểm tra danh mục tờ khai yêu cầu sửa của doanh nghiệp và phải liên lạc với doanh nghiệp qua điện thoại để biết các nội dung cần chỉnh sửa mới có thể chấp nhận.

Chương trình phần mềm cũng bộc lộ tính thiếu hoàn thiện qua việc theo dõi, trừ lùi giấy phép được thực hiện như thủ tục hải quan thủ công vì chương trình chưa thực hiện được do giấy phép có rất nhiều loại và chưa được chuẩn hóa. Ví dụ: giấy phép có 2 dòng hàng trùng mã số, hệ thống không biết dòng hàng nào để xử lý; hạn ngạch cấp theo trị giá thì hệ thống không biết trừ trên trị giá khai báo hay trị giá tính thuế và trừ lùi tại thời điểm nào; nếu doanh nghiệp khai báo khác đơn vị tính trên giấy phép thì hệ thống cũng không thể xử lý.

Tiếp đó, mẫu tờ khai hải quan điện tử HQ/2005-TKĐT được qui định chung cho tờ khai nhập khẩu và tờ khai xuất khẩu. Đối với tờ khai xuất khẩu thì việc xác định nước nhập khẩu hàng là rất quan trọng trong việc cấp C/O (giấy xác nhận nguồn gốc hàng hóa). Tuy nhiên mẫu tờ khai hiện nay không có tiêu chí nước nhập khẩu mà chỉ có tiêu chí nước xuất khẩu cho nên doanh nghiệp khó khăn trong việc cấp C/O và thanh toán…

Trước thực tế trên, ông Đỗ Đình Thực, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho rằng, nhanh chóng hoàn thiện và nâng cấp chương trình hiện tại, chỉnh sửa các lỗi, bổ sung các chức năng còn thiếu như đã nêu ở trên là việc cần làm ngay.

Thiết lập hệ thống dự phòng, đảm bảo an toàn cho việc thông quan điện tử trước mắt, đặc biệt cho giai đoạn mở rộng sắp tới và nghiên cứu mô hình thông quan điện tử thích hợp theo lộ trình phù hợp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Chi cục Hải quan Điện tử hiện tại cũng là việc không thể chậm trễ.

Có như vậy kế hoạch triển khai mở rộng thông quan điện tử với dự kiến khoảng 60-70 doanh nghiệp trong năm 2005 và tiến hành thông quan điện tử tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung mới có khả năng thực hiện…

BÁ TÂN

Theo Sài Gòn Giải Phóng
  • 128