Qua 3 lần khai quật liên tiếp di chỉ Giồng Nổi, Bến Tre (từ năm 2004-2006), các nhà khảo cổ đã thu được tổng số 50.000 hiện vật gồm gốm sứ, lò nung, bếp nung, xương người, răng người Việt cổ, xương, răng các loài động vật...
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học "Di chỉ Giồng Nổi và khảo cổ học tỉnh Bến Tre năm 2006" do Bảo tàng tỉnh Bến Tre phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức.
Rìu, hai bàn mài đá và đục (từ trái sang)
Di chỉ Giồng Nổi được khai quật thám sát lần đầu vào cuối năm 2003. Theo các nhà khảo cổ, đây vốn là một ngôi làng cổ với nhiều cư dân là người Việt cổ quần cư, toạ lạc trên một giồng cát nổi thuộc một vùng đầm lầy duyên hải rộng lớn đã có cách đây trên 2.500 năm, tức là thời kỳ văn hoá Tiền Óc Eo, thuộc hậu kỳ đồ đá đến sơ kỳ đồ sắt.
(Ảnh: TTO)
Giáo sư tiến sĩ Lê Xuân Diệm, Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học VN cho biết di chỉ Giồng Nổi-Bến Tre đã gây nên sự ngạc nhiên, thú vị, bất ngờ và hấp dẫn rất lớn đối với toàn giới nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam. Đây thực sự là một di chỉ khảo cổ học - văn hóa - có giá trị văn hóa to lớn, do nó có trữ lượng di vật quá lớn ở trong một nội hàm văn hóa đa dạng, nhiều hình, nhiều vẻ và có nhiều yếu tố mới, lạ, lần đầu tiên được biết đến.