Giới thiên văn học lần đầu tiên thu âm được “bài hát” kỳ bí của từ trường Trái Đất trong lúc bị một cơn bão Mặt Trời tấn công.
Tờ Daily Mail của Anh đưa tin “giai điệu” này được thể hiện dưới dạng sóng âm của một đợt ánh sáng cực quang có thể quan sát ở gần hai cực trong lúc các hạt tích điện tương tác với bầu khí quyển Trái Đất.
Từ trường Trái Đất (màu trắng bên dưới) khi tiếp xúc với hạt tích điện từ Mặt Trời phóng ra. (Ảnh: NASA).
Nhóm chuyên gia tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã thu được “giọng hát” trên trong lúc phân tích các đợt sóng từ trường sinh ra khi “gió Mặt Trời” ập đến hành tinh của chúng ta. Họ biến kết quả thu được sang dạng tần số âm thanh, tạo thành một âm thanh lạ thường mà họ mô tả là giống “hiệu ứng âm thanh trong phim khoa học viễn tương hơn là một hiện tượng tự nhiên”.
“Bài hát” được xác định sau khi nhóm nghiên cứu gửi bốn tàu vũ trụ đến “vùng địa chấn” của từ trường Trái Đất, nơi đối diện Mặt Trời và là phần đầu tiên bị ảnh hưởng bởi các cơn bão Mặt Trời.
Thông thường, dòng chảy liên tục của các hạt tích điện tạo nên gió Mặt Trời làm cho “vùng địa chấn” phát ra sóng từ đơn giản - khi chuyển thành sóng âm thanh sẽ giống như một nốt đơn thấp. Khi bão Mặt Trời tấn công Trái Đất, tác động của nó lên “vùng địa chấn” trong từ trường khiến “âm nhạc” nâng lên tông cao và phức tạp hơn.
“Như thể cơn bão đã thay đổi giai điệu của vùng địa chấn”, nhà vật lý vũ trụ Lucile Turc – tác giả nghiên cứu – viết trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Sứ mệnh “Solar Orbiter” của ESA sắp tới, được dự kiến phóng vào tháng 2/2020, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những điều kiện tạo ra âm thanh vũ trụ kỳ bí như trên.