Lượng CO2 thu được từ không khí sẽ được dùng để khai thác dầu từ những mỏ nằm sâu dưới lòng đất.
Công ty sản xuất dầu mỏ Mỹ Occidental Petroleum đang hợp tác với công ty Carbon Engineering có trụ sở tại Canada, để xây dựng một nhà máy thu khí CO2 trực tiếp từ không khí tại vùng Permian, mỏ dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ tại Tây Texas và Đông Nam New Mexico.
Phát biểu bên lề hội nghị CO2NNECT 2019 tại bang Wyoming của Mỹ ngày 21/5, Giám đốc điều hành Carbon Engineering Steve Oldham cho biết, lượng CO2 thu được từ không khí sẽ được dùng để khai thác dầu từ những mỏ nằm sâu dưới lòng đất. Ngoài ra, lượng CO2 còn được dùng vào mục đích sưởi ấm trong nhà hoặc vận hành các phương tiện.
Vùng Permian, nơi được Occidental Petroleum chọn để xây dựng nhà máy thu khí CO2 trực tiếp từ không khí.
Theo kế hoạch, dự án xây dựng nhà máy trên khởi công vào năm 2021 và mất 2 năm để hoàn thành. Theo ông Oldham, nhà máy sẽ có quy mô lớn gấp 100 lần so với bất cứ nhà máy thu khí trực tiếp nào trên thế giới và vận hành bằng hỗn hợp khí tự nhiên và năng lượng tái táo. Trong khuôn khổ hợp tác, công ty Carbon Engineering sẽ cung cấp lượng khí CO2 thu được cho Occidental Petroleum, nhà đầu tư của công ty có trụ sở tại Canada, với chi phí thấp hơn CO2 hữu cơ hiện đang sử dụng ngày nay.
Công ty Carbon Engineering đã tiến hành thu CO2 bằng một nhà máy thí điểm kể từ năm 2015. Hiện công ty này đang dẫn đầu thị trường CO2, cùng với các công ty Thụy Sĩ Climeworks và công ty Mỹ Global Thermostat.
Phương pháp mới thu giữ khí CO2.
Khí CO2 được cho là “thủ phạm” góp phần làm tăng nhiệt độ Trái Đất. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhấn mạnh sự cần thiết phải thu khí carbon, nhằm hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu đến năm 2060 ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong bản báo cáo thường niên lần thứ tư về đầu tư năng lượng thế giới công bố ngày 14/5, IEA kêu gọi thế giới đầu tư gấp đôi vào năng lượng tái tạo, đồng thời cắt giảm mạnh đầu tư cho dầu mỏ và than đá, trước năm 2030, mới mong đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Phát thải CO2 toàn cầu vẫn tăng, ngay cả khi tiêu thụ than đá giảm và năng lượng tái tạo bùng nổ
Công suất năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục và việc tiêu thụ than toàn cầu có thể đã lên đến đỉnh. Nhưng phát thải CO2 của thế giới từ nhiên liệu hóa thạch vẫn tăng trong năm 2018, xu hướng tăng này có thể khiến các mục tiêu nóng lên toàn cầu gặp khó khăn.
Ngân lượng Carbon toàn cầu: Phát thải 2018.
Theo ước tính mới từ Dự án Carbon Toàn cầu, một sáng kiến do nhà khoa học Rob Jackson của Đại học Stanford đứng đầu, phát thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu vẫn trên đà tăng lên trong năm thứ hai liên tiếp, chủ yếu do việc sử dụng năng lượng ngày càng tăng.
Ông Jackson, giáo sư ngành Khoa học hệ thống mặt đất tại Trường Khoa học Trái đất, Năng lượng & Môi trường của ĐH Stanford cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ, có lẽ là đã hy vọng, rằng lượng phát thải đạt đỉnh vài năm trước. Tuy nhiên, sau hai năm con số lại tăng trở lại, suy nghĩ đó chỉ là mơ ước”.
Nhóm nghiên cứu ước tính rằng, lượng khí thải CO2 toàn cầu từ nguồn nhiên liệu hóa thạch (hiện đang chiến khoảng 90% tổng lượng phát thải từ các hoạt động của con người) đạt mức cao kỷ lục hơn 37 tỷ tấn trong năm 2018, tăng 2,7% so với năm 2017. Mức tăng này cũng cao hơn so với mức tăng 1,6% ở năm 2017.
“Nhu cầu năng lượng toàn cầu đang vượt xa sự tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng tái tạo và hiệu suất năng lượng”, ông Jackson nhận xét. “Thời gian đang trôi qua rất nhanh, trong khi chúng ta vật lộn để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C”.