Bức thư mật tiết lộ nguyên nhân vệ tinh đầu tiên của nước Anh Ariel-1 bị hỏng sau một vụ thử hạt nhân của Mỹ.
Ngày 10/9/1962, một bản báo cáo tối mật của tử tước Hailsham đệ nhị trình lên thủ tướng Anh Harold Macmillan mô tả chi tiết nguyên nhân dẫn đến việc mất liên lạc với vệ tinh Ariel-1.
Mới được phóng lên không gian vào tháng 4/1962 theo một dự án liên kết với Mỹ, vệ tinh khoa học này có nhiệm vụ nghiên cứu thượng tầng khí quyển của Trái Đất và ảnh hưởng của bức xạ tia X từ Mặt Trời. Vệ tinh vẫn hoạt động hoàn hảo cho đến ngày 13/7 thì đột ngột mất tín hiệu.
Ánh sáng phát ra từ vụ thử hạt nhân năm 1962 nhìn từ Honolulu, cách đó gần 1.500km. (Ảnh: Wikipedia).
Trước đó 4 ngày, Mỹ đã tiến hành một vụ thử nghiệm đầu đạn hạt nhân, được gọi là chiến dịch Starfish Prime, phát nổ trong không gian ở độ cao 400km phía tây nam quần đảo Johnston trên Thái Bình Dương.
Với sức công phá tương đương 1,4 triệu tấn TNT, xung điện từ (EMP) tạo ra từ vụ nổ hạt nhân trên không gian mạnh đến mức thổi bay cả đèn đường ở Hawaii, cách khu vực thử nghiệm vũ khí hạt nhân tới 1.000km, làm gián đoạn thông tin liên lạc vô tuyến trên toàn cầu, tạo ra một vành đai bức xạ nhân tạo tạm thời bao quanh Trái Đất, làm tê liệt một số vệ tinh bay trong quỹ đạo thấp, như Telstar - vệ tinh viễn thông thương mại đầu tiên của nhân loại và cả Ariel-1.
Trong bản báo cáo, tử tước Hailsham - chủ tịch Thượng Nghị viện Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đương thời viết rằng vệ tinh Ariel-1 chưa phải hoàn toàn bỏ đi, mặc dù các tấm pin năng lượng Mặt Trời bị hư hại nặng.
"Chúng ta thu được nhiều dữ liệu đáng quý trong thời gian vệ tinh hoạt động", Hailsham viết. "Trước vụ nổ, vệ tinh đã truyền về hàng nghìn giờ dữ liệu, cần ít nhất một năm để giải mã chúng".
Hailsham nhấn mạnh, bên cạnh những giá trị khoa học đáng quan tâm, vòng đời ngắn ngủi của vệ tinh Ariel-1 cảnh báo mối nguy hại lớn của năng lượng hạt nhân khi trở thành vũ khí, cần phải được ngăn chặn bởi một hiệp ước chung.
Tử tước Hailsham qua đời năm 2001, thọ 94 tuổi. (Ảnh: BBC).
EMP có khả năng nướng chín các thiết bị điện, điện tử kể cả trong không gian, phá vỡ các hệ thống radar phòng thủ, làm gián đoạn thông tin liên lạc, thậm chí vô hiệu hoá toàn bộ cơ sở hạ tầng sử dụng điện.
"Vũ khí EMP hiếm khi được nhắc tới", bà Elizabeth Quintana, thuộc Viện nghiên cứu An ninh - Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), giám đốc chương trình Công nghệ và năng lượng Không gian, thừa nhận. "Nhưng chúng lại đang chất đầy trong các kho vũ khí quân sự".
Starfish Prime là một minh chứng đáng sợ cho sức mạnh khủng khiếp của vũ khí phá huỷ hàng loạt sử dụng xung điện từ, làm gia tăng mối lo ngại tiềm tàng về việc cơ sở hạ tầng không gian dễ dàng bị phá huỷ, nhất là khi cuộc sống của chúng ta ngày nay phụ thuộc chặt chẽ với những thiết bị không gian đó. Vì vậy rất cần có sự đồng thuận của các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước lớn có tiềm lực quân sự, để ngăn ngừa những vụ nổ hạt nhân kinh hoàng như thế.
Một năm sau bức thư gửi thủ tướng của tử tước Hailsham, hiệp ước cấm thử nghiệm, phổ biến vũ khí hạt nhân giữa Mỹ, Vương quốc Anh và Liên bang Xô Viết được ký kết năm 1963. Không những thế, đích thân thủ tướng Macmillan gửi thư phúc đáp tới Hailsham với tiêu đề "Rất cảm ơn bản giác thư tuyệt vời mà Ngài đã gửi". Tuy nhiên, phải 50 năm sau, bức thư mới được công khai.
Bên cạnh những tổn hại to lớn gây ra khi biến thành vũ khí, những thiết bị sử dụng sức mạnh của xung điện từ lại mang đến không ít hiệu quả tiềm tàng. Các thiết bị không gian như vệ tinh hay tàu vũ trụ, thường hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, liên tục bị tấn công bởi các tia vũ trụ và các hạt tích điện từ Mặt Trời. Khi đó, một vũ khí EMP tương tự như Starfish Prime có thể được sử dụng như một tấm khiên che chắn bức xạ, bảo vệ hiệu quả, và rẻ hơn, các hệ thống vệ tinh hiện đại.
Trung tâm không gian Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc - nơi điều khiển vụ phá hủy vệ tinh thời tiết. (Ảnh: AFP).
Xung điện từ tạo ra từ vụ nổ hạt nhân trên không gian năm 1962 có thể làm hư hại hoàn toàn các vệ tinh đời đầu có thiết kế thô sơ, nhưng nó cũng chính là một công nghệ vũ trụ được phát triển để loại bỏ các mảnh vụn đang lơ lửng quanh quỹ đạo Trái Đất.
Rác vũ trụ đang là vấn đề nổi cộm trong nghiên cứu không gian. Năm 2007, Trung Quốc đã sử dụng một tên lửa đạn đạo trên mặt đất để phá hủy một vệ tinh thời tiết, tạo ra một đám mây mảnh vỡ nguy hiểm trên quỹ đạo và khiến cộng đồng quốc tế lo ngại, bởi họ có thể dùng một thiết bị kiểu như vũ khí EMP để loại bỏ và kéo vệ tinh đã mất tác dụng ra khỏi quỹ đạo Trái Đất.