Thủ phạm khiến bão Yagi, Helene "hung tàn" chưa từng có

  •  
  • 1.295

Trước thực trạng các cơn bão ngày càng mạnh lên, giới khoa học kêu gọi mở rộng thang đo Saffir-Simpson thêm cấp độ 6 đối với bão có sức gió trên 308km/h.

Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm tăng sức tàn phá của các cơn bão mạnh lên mức chưa từng có, như bão Helene đổ bộ vào đông nam nước Mỹ và bão Yagi (bão số 3) hoành hành ở châu Á vừa qua.

Một nghiên cứu công bố mới đây tại Mỹ cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân khiến các cơn bão nhiệt đới xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất nhiều hơn.

 Bão Helene gây ngập nặng ở Asheville, North Carolina (Mỹ).
Bão Helene gây ngập nặng ở Asheville, North Carolina (Mỹ). Cơn bão này đến nay đã khiến ít nhất 189 người chết, trở thành cơn bão gây chết chóc thứ hai ở Mỹ trong 50 năm qua - (Ảnh: AFP).

Theo nghiên cứu, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên khiến lượng hơi nước trong khí quyển gia tăng, khiến các cơn bão mạnh lên về cường độ.

Ông Michael Mann, nhà khí hậu học tại Đại học Pennsylvania, cho biết mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1 độ C hiện nay đã khiến sức tàn phá của bão tăng trung bình khoảng 40%. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), ông kêu gọi mở rộng thang đo Saffir-Simpson thêm cấp độ 6 đối với các cơn bão có sức gió trên 308km/h.

Nhiều nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đã làm tăng cường độ của cơn bão Helene lên cấp 4 - là cấp độ cao nhất trên thang đo. Nhà khí hậu học ở bang Florida, David Zierden, cho biết hàm lượng nhiệt trong các đại dương ở mức kỷ lục đã khiến bão mạnh lên và gây thiệt hại lớn.

Trong khi đó, hiện tượng "tăng nhanh cường độ", nghĩa là sức gió một cơn bão tăng tốc thêm 55km trong vòng 24 giờ, cũng đang trở nên phổ biến hơn.

Nhà khoa học khí hậu tại phòng thí nghiệm quốc gia tây bắc Thái Bình Dương của Bộ Năng lượng Mỹ, Karthik Balaguru, cho rằng sự gia tăng này có thể có tác động nghiêm trọng, đặc biệt nếu xảy ra gần bờ biển trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Biến đổi khí hậu cũng làm giảm sức cắt gió - những thay đổi về tốc độ và hướng gió theo độ cao - dọc bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ và bờ biển Thái Bình Dương của châu Á. "Sức cắt gió mạnh có thể ngăn cản cơn bão phát triển mạnh và giảm sức tàn phá của bão", ông Balaguru giải thích.

Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ bề mặt đất với bề mặt nước cũng khiến độ ẩm tăng cao dọc khu vực bờ biển, dẫn đến áp suất và lưu thông gió đẩy độ ẩm vào tầng bình lưu giữa, tạo điều kiện để bão phát triển.

Về tần suất, một số nghiên cứu cho thấy ô nhiễm bụi mịn ở Mỹ và châu Âu được cải thiện đã có thể làm gia tăng tần suất bão ở Đại Tây Dương, trong khi ô nhiễm ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể đang ngăn chặn các cơn bão ở tây Thái Bình Dương.

Cập nhật: 04/10/2024 Tuổi Trẻ
  • 1.295