''Thung lũng Silicon'' hướng tới công nghệ sạch

  •  
  • 210

''Thung lũng Silicon'' - nơi tập trung các công ty nổi tiếng như HP, Intel, Apple... đang hướng tới mục tiêu đi đầu trong lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và thân thiện với môi trường.

Phần lớn các doanh nghiệp tại ''Thung lũng Silicon'' đang triển khai các dự án nhằm sản xuất năng lượng mặt trời, tế bào nhiên liệu và nhiên liệu sinh học với giá trị sản phẩm hiện đã lên tới 55 tỉ USD, tức là lớn hơn toàn bộ thị trường quảng cáo do công ty Google, cũng đặt trụ sở ở đây, khống chế. Các chuyên gia ước tính trong vòng 10 năm tới, thị trường các sản phẩm cung cấp năng lượng sạch có thể tăng gấp 4 lần hiện nay.

Năm 2006, lần đầu tiên trong lịch sử, lượng si-lích nước Mỹ sử dụng để sản xuất các tấm pin mặt trời nhiều hơn lượng dùng để sản xuất các linh kiện điện tử. Quan trọng hơn là giờ đây các công ty liên doanh đã tập trung đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu các kĩ thuật thân thiện với môi trường.

Nhiều kinh nghiệm của các công ty thuộc ''Thung lũng Silicon'' trong sản xuất hàng điện tử đang được áp dụng trong ngành công nghệ năng lượng sạch, ví dụ phương pháp sản xuất đại chúng, đưa sản xuất về tận gia đình.

Nhờ áp dụng phương pháp sản xuất hàng loạt, giá thành sản xuất điện bằng pin mặt trời, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, đã giảm từ 21,83 USD của năm 1980 xuống còn 2,70 USD vào năm 2005. Theo các chuyên gia, trong 5 năm tới, giá điện dùng pin mặt trời sẽ có thể cạnh tranh với giá điện thông thường mà không cần phải có khoản trợ giá nào.

Các chuyên gia thị trường cho rằng đầu tư vào các sản phẩm bảo vệ môi trường là một lĩnh vực cực kì quan trọng, thậm chí nó có thể tạo ra một thị trường lớn hơn là thị trường kinh doanh truyền thống của ''Thung lũng Silicon''.

Một nhân tố góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng đầu tư cho công nghệ sạch là thực tế ở Mỹ đã có hơn 10 bang ban hành luật qui định tỉ lệ điện bắt buộc phải khai thác từ các nguồn nhiên liệu tái sinh. Bang Caliphonia thậm chí đi xa hơn với việc thông qua luật giới hạn mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2006. Nhiều bang khác có thể cũng theo bước Caliphonia trong vấn đề này, khiến cho nhu cầu về năng lượng sạch ngày càng trở nên bức bách.

Hiện tại, ở Mỹ khoảng cách chi phí giữa nguồn nhiên liệu sạch và nhiêu liệu hóa thạch đang dần được thu hẹp. Nếu nhà sản xuất năng lượng sạch có thể xoá được khoảng chênh lệch, họ sẽ có thể cạnh tranh trong một thị trường năng lượng khổng lồ, bởi lẽ mỗi năm nước Mỹ phải nhập khẩu hàng chục tỉ USD xăng dầu. Thị trường tiềm năng này đang thu hút các đối tác lớn như công ty General Electric và Sharp vào cuộc. Tuần trước, tập đoàn Citigroup thông báo đầu tư 50 tỉ USD vào kĩ thuật sạch, trong khi công ty British Petroleum đang đầu tư 400 triệu USD vào các chương trình nghiên cứu.

''Thung lũng Silicon'' đang tràn trề lạc quan. Số vốn đầu tư liên doanh vào khu công nghiệp này đã tăng gấp 6 lần, lên tới 300 triệu USD từ quí I đến quí III/2006. Một làn gió mới cũng xuất hiện trên thị trường chứng khoán: tính riêng từ tháng 2/2007 đến nay, cổ phiếu của 45 công ty đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch đã tăng 12%, một điều khó có thể hình dung cách đây 3 năm.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng dự báo những giới hạn về tiềm năng của kĩ thuật thân thiện với môi trường. Họ cho rằng trong khi kĩ thuật sạch sẽ phát triển và trở thành nhân tố quan trọng, nó sẽ không thể thay thế cho hệ thống sản xuất dựa trên nhiên liệu hoá thạch. Họ cũng cho rằng các sản phẩm kĩ thuật sạch, mặc dù nhiều hứa hẹn, sẽ không thể vượt qua được ngành chế tạo phần mềm hay kĩ thuật sinh học hoặc Internet hay các công cụ tìm kiếm trên mạng vốn đang là thế mạnh của ''Thung lũng Silicon''. 

Theo TTXVN
  • 210