Thuốc mỡ chế xuất từ giòi giúp vết thương mau lành hơn?

  •  
  • 1.292

Giới bác sĩ trên chiến trường hàng trăm năm trước là những người đầu tiên nhận ra rằng các vết thương ngoại khoa bị nhiễm giòi sẽ chóng lành hơn các vết thương còn lại.

Các bệnh viện ngày nay trên khắp thế giới sẽ nuôi cấy một số ấu trùng ruồi chọn lọc trong môi trường vô trùng. Những cá thể “giòi sinh học” này được áp dụng trực tiếp trên vết loét và vết bỏng – những vết thương vốn rất khó lành.

Không còn nghi ngờ gì nữa, kỹ thuật chữa bệnh có vẻ như độc ác này thực ra lại rất hiệu quả. Nhưng câu hỏi làm sao kỹ thuật này có thể giúp sớm lành vết thương hiện vẫn đang là đề tài tranh luận trong giới khoa học.

Theo một nghiên cứu mới đây, bí mật nằm trong chất lỏng do giòi tạo ra có khả năng tiêu hủy các mô hỏng.

Ở nhiều vết thương chưa lành, mô dần bị thối và chết đi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh. Chính điều này ngăn cản quá trình hồi phục của vết thương về sau.

“Chúng tôi đã sản xuất ra một loại enzyme từ chất lỏng của giòi có khả năng loại các mô thối ra khỏi vết thương, cho phép các mô cơ bản có cơ hội hồi phục,” theo lời David Pritcharf, nhà nghiên cứu đang tiến hành một dự án tại trường Dược thuộc đại học Nottingham, Anh quốc.

 

Thuốc mỡ và băng gạc bảo vệ vết thương chế xuất từ giòi rất có thể sẽ sớm xuất hiện tại các hiệu thuốc. (Ảnh: National Geographic)

“Giờ đây chúng tôi đã hiểu được cơ chế giúp chữa lành vết thương của giòi, chúng tôi đang biến những hiểu biết này thành các sản phẩm chữa vết thương hiệu nghiệm."

Sản xuất băng quấn vết thương có “nước” giòi cũng là một khả năng. Theo Pritchard, dung dịch chứa các enzyme của giòi là sản phẩm triển vọng hơn cả. Có thể bôi dung dịch này lên bề mặt vết thương để thúc đẩy quá trình bình phục.

Những ý tưởng này chắc chắn sẽ khiến một vài bệnh nhân cảm thấy rùng mình, nhưng trên thực tế, các nhà khoa học cho rằng dược phẩm chế xuất từ giòi thực ra không có nhiều tác dụng phụ.

“Không có trường hợp nào ghi nhận phản ứng bất lợi của vết thương đối với giòi, và các enzyme mà chúng tôi đang sản xuất được lấy trực tiếp từ cơ thể giòi sinh học trong các vết thương, vậy nên chúng tôi cho rằng vết thương sẽ không phản ứng xấu với các enzyme này,” Pritchard cho biết.

Tuy nhiên, thành công của một nhóm trong công trình nghiên cứu về giòi khó có thể làm cho họ được nổi danh trong giới khoa học, Pritchard nói thêm.

Ban đầu, chúng tôi bị buộc tội về việc bỗng dưng có quá nhiều ruồi xuất hiện trong viện nghiên cứu. Nhưng khi xác định rõ loài ruồi này, người ta mới vỡ lẽ rằng chúng đến từ những xác chim bồ câu chết trên mái viện.”

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 1.292