Viện Y tế Quốc gia Mỹ ngày 25/2 xác nhận rằng cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên ở Mỹ đối với loại thuốc điều trị virus corona chủng mới đã bắt đầu tại bệnh viện Đại học Nebraska.
Thuốc được thử nghiệm là remdesivir của hãng Gilead, loại thuốc kháng virus có thể chữa nhiều loại bệnh, bao gồm Covid-19 do chủng virus corona mới gây ra, theo Fortune.
Thuốc điều trị này đang có triển vọng nhất định khi trợ lý tổng giám đốc WHO Bruce Aylward nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 24/2 rằng “chỉ có một loại thuốc hiện giờ mà chúng tôi nghĩ có thể có tác dụng và đó là remdesivir”.
Loại thuốc này đang được thử nghiệm lâm sàng tại Trung Quốc và một số nước, cả đối với những dịch bệnh trước do các chủng virus corona khác gây ra như MERS hay SARS. Nhưng đây là lần đầu tiên remdesivir được thử nghiệm theo “tiêu chuẩn vàng” của Mỹ.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu thử nghiệm thuốc remdesivir của hãng Gilead. (Ảnh: Wall Street Journal).
“Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi là tiêu chuẩn vàng để xác định xem một loại thuốc thử nghiệm có tác dụng với bệnh nhân hay không”, theo thông cáo của viện chuyên về bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH).
“Thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi” có nghĩa cả bệnh nhân nhận thuốc thử nghiệm và bác sĩ cho thuốc đều không biết là đang dùng thuốc thử nghiệm hay chỉ là placebo (thuốc giả, không có tác dụng gì tới bệnh, nhưng cũng không làm hại bệnh nhân). Nhờ vậy có thể khẳng định chắc chắn tác dụng chữa bệnh nếu có là do thuốc đang thử nghiệm, chứ không do yếu tố khác.
Trung Quốc cũng đang thử nghiệm theo phương pháp mù đôi.
Bệnh nhân đầu tiên tham gia thử nghiệm là một người từng bị cách ly trên tàu Diamond Princess ở Nhật. Viện Y tế Quốc gia Mỹ sẽ là cơ quan nhà nước bảo trợ cho đợt thử nghiệm.
Remdesivir không phải là vắc-xin, và để điều trị những người đã nhiễm virus corona chủng mới.
Cổ phiếu công ty Gilead tăng 7% ngày 24/2 sau phát biểu lạc quan của WHO về remdesivir, rồi lại giảm 4% ngày 25/2.
Giới chức y tế Mỹ hôm 25/2 khuyến cáo công dân nên bắt đầu chuẩn bị ứng phó với sự lây lan virus corona tại nước này trong lúc dịch bệnh bùng phát nhanh chóng ở Iran, Hàn Quốc và Italy.
Tính đến sáng 26/2, số người chết tại Iran đã tăng lên đến 16 - cao nhất ngoài Trung Quốc - với 95 ca nhiễm. Italy cũng ghi nhận ca tử vong thứ 11 trong 322 ca nhiễm - ổ dịch lớn nhất châu Âu. Trong khi đó, Hàn Quốc đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc với gần 1.146 ca nhiễm và 12 ca tử vong.
Cũng trong hôm 25/2, giới chức y tế Mỹ cho biết số ca nhiễm virus, gây ra bệnh được đặt tên chính thức là Covid-19, đã lên đến 57 ca ở Mỹ, với 40 người trở về từ tàu du lịch ở Nhật Bản.
Theo Wall Street Journal, cuộc thử nghiệm được thiết kế bao gồm 400 bệnh nhân toàn cầu, bao gồm cả ở Nhật Bản và Italy.
Dù virus corona đã khiến khoảng 80.000 người trên thế giới nhiễm bệnh, đa số có các triệu chứng giống cúm, như sốt và ho, trước khi tự phục hồi, WSJ dẫn lời các quan chức y tế. Tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc vào khoảng 2%, có thể cao hơn ở những người cao tuổi và có sẵn các chứng bệnh.
Cuộc thử nghiệm dự kiến kết thúc vào tháng 4/2023, nhưng các nhà nghiên cứu có thể có kết quả ban đầu trong vòng một năm, theo Andre Kalil, giáo sư nội khoa Đại học Nebraska, người dẫn đầu nghiên cứu thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm cũng sẽ cho phép đưa vào các cách điều trị thử nghiệm, tùy vào kết quả nghiên cứu.
Thời gian sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. “Trong trường hợp xấu nhất, nếu dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng và tệ hơn nhiều so với dự đoán, sẽ tìm được đủ 400 bệnh nhân khá nhanh, chỉ trong vài tháng”, ông nói với Wall Street Journal.
“Đây có lẽ sẽ là thử nghiệm nhanh nhất trong lịch sử Mỹ, vì cuộc thử nghiệm mới chỉ lên phương án vài tuần trước ở NIH, và chúng ta đã bắt đầu ngay”, ông nói thêm.
Để tham gia thử nghiệm remdesivir, bệnh nhân phải mắc Covid-19 giai đoạn nặng, tức có triệu chứng giống viêm phổi, tiến sĩ Kalil cho biết. Như vậy sẽ loại trừ 80% hoặc hơn số bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ như cảm lạnh thông thường.
Remdesivir mở ra hy vọng mới trong cuộc chiến với virus corona chết người. (Ảnh: Getty).
NIH cũng dự kiến thử nghiệm một loại vắc-xin của công ty Moderna Inc. vào cuối tháng 4, trên những người tình nguyện khỏe mạnh.
Vào tháng 1, remdesivir được dùng để điều trị khẩn cấp cho một bệnh nhân nam 35 tuổi ở bang Washington bị nhiễm virus corona. Sức khỏe của ông được cải thiện nhanh chóng sau khi dùng thuốc, và sau đó ông được ra viện. Giới khoa học nói đó là dấu hiệu khả quan, nhưng vẫn cần có thử nghiệm được kiểm soát theo phương pháp “mù đôi” để remdesivir có thể được áp dụng rộng rãi.