Những trường hợp nôn do thai nghén bình thường thì không cần điều trị, nhưng nếu chứng này quá nghiêm trọng, bạn cần đi khám. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc để giảm khó chịu mà vẫn an toàn cho thai nhi.
Thuốcc Primperan (Ảnh: flick) |
Nôn do thai nghén thường diễn ra vào buổi sáng sau khi thức dậy và sau mỗi bữa ăn, ban đêm ngủ thì hầu như không nôn. Có người chỉ chảy nước dãi do tiết nước bọt nhiều, có người chỉ lợm giọng buồn nôn mà không nôn. Nôn do nghén thường ở mức độ nhẹ, thai phụ chịu đựng được.
Nhưng cũng có người nôn mửa nhiều suốt cả ngày, hết thức ăn thì nôn ra nước, dịch mật; cả khi hết cả chất dịch trong dạ dày mà họ vẫn nôn khan khiến cơ thể mệt mỏi, gầy sút, mất nước, máu bị cô đặc, bị toan hóa, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Những trường hợp này phải được điều trị tích cực trong bệnh viện.
Thuốc trị nôn có nhiều loại nhưng nếu sử dụng, cần chọn loại nào ít có hại nhất cho mẹ và con. Thuốc này thường được dùng vào giai đoạn đầu của thai kỳ nên càng phải bảo đảm an toàn, không gây dị dạng cho thai.
Thuốc chữa nôn do thai nghén trước đây thường dùng hoạt chất của cà độc dược (Belladone thuốc uống giọt, Atropin thuốc viên hoặc tiêm). Chúng có tác dụng trên hệ thần kinh phó giao cảm, làm giảm tiết nước bọt, giảm co bóp và nhu động của dạ dày và ruột. Tác dụng phụ là tim đập nhanh, giãn đồng tử, đỏ bừng mặt, khô miệng...
Có thể dùng Primperan với hoạt chất metoclopramide; loại uống (viên nén 10 mg) hoặc tiêm (10 mg/ống 2ml). Thuốc đã được xác nhận không gây dị tật cho thai qua nghiên cứu độc chất và kinh nghiệm sử dụng lâm sàng trong hơn 25 năm qua.
Ngoài ra, thai phụ cũng có thể dùng Hepadial (mỗi viên chứa 250 mg dimecrotic acid và 50 mg magiê), có tác dụng giảm tính co thắt của các cơ trơn, lợi mật và chống co thắt đường mật. Đây cũng là thuốc dùng an toàn khi có thai.
Tất cả các thuốc trên đều phải được dùng với sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
BS. Phó Đức Nhuận