Thụy Điển được biết đến là một trong những quốc gia phát triển bền vững hàng đầu thế giới, mọi thứ đều được họ coi là nguồn tài nguyên, trong đó có rác. Tỷ lệ chất thải tái chế của các hộ gia đình Thuỷ Điện hiện nay là 99% và phía Thuỵ Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này với Việt Nam.
Thông tin này được công bố tại Hội thảo "Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ít phát thải các bon tại Việt Nam – từ kinh nghiệm của Thụy Điển" do Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội và Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp tổ chức sáng 12/11.
Hiện nay các nước trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy giảm sinh thái và ô nhiễm môi trường do mô hình phát triển kinh tế thiếu tính bền vững như khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất tiêu dùng và thải loại ra môi trường.
Để khắc phục những hạn chế hiện nay, một phương thức phát triển kinh tế mới thân thiện với môi trường nhận được sự quan tâm đồng thuận cao của các quốc gia trên thế giới đó là kinh tế tuần hoàn.
Theo bà Ann Mawe, Thụy Điển đã và đang hướng tới một xã hội không rác thải và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn mang nhiều lợi ích cho các quốc gia, giúp các quốc gia có thể tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng hạn chế khí thải, rác thải ra môi trường. Đây là mô hình phát triển hạn chế tối đa khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên, giảm thiểu phát thải ra môi trường do tận dụng rác thải từ chu trình này để làm nguồn tài nguyên đầu vào cho chu trình tiếp theo.
Phương thức phát triển kinh tế mới này mang lại nhiều lợi ích quốc gia trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu do vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và nâng cao sự cạnh tranh quốc gia; lợi ích cho xã hội là tận dụng được nguồn tài nguyên và vật liệu đã qua sử dụng, thay vì tiêu tốn để xử lý và giảm thiểu các khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên và hạn chế tối thiểu phát thải, xả thải ra môi trường; lợi ích cho doanh nghiệp là giảm rủi ro khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên và tạo ra cơ hội việc làm.
Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển, nhấn mạnh: "Trong nền kinh tế tuần hoàn, mọi thứ đều được coi là nguồn tài nguyên, trong đó có rác. Nền kinh tế tuần hoàn đem lại giá trị cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng".
Thụy Điển được biết đến là một trong những quốc gia phát triển bền vững hàng đầu thế giới, với mục tiêu hướng tới một xã hội không rác thải. Rất nhiều chất thải được tái chế và sử dụng cho các mục đích khác như khí sinh học và năng lượng.
Thụy Điển trở thành quốc gia nhập khẩu chất thải, mỗi năm quốc gia này nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn thải mỗi năm.
Đại sứ Thụy Điển, bà Ann Mawe, cho biết: "Nhờ ý thức bảo vệ môi trường của người dân, sự khuyến khích của chính phủ cũng như hệ thống thu gom rác thải hiệu quả, Thụy Điển đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong cuộc "cách mạng tái chế" hơn hai thập kỷ qua. Tỷ lệ chất thải tái chế của các hộ gia đình tăng từ 38% năm 1975 lên 99% hiện nay". Cũng theo bà Ann MaweThụy, Điển sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm "cách mạng tái chế" của mình với Việt Nam.
Việc phân loại rác hiệu quả đã giúp Thuỵ Điển biến chúng thành năng lượng và nguồn tài nguyên dồi dào. (Ảnh minh hoạ: Theplaidzebra.com)
Tại hội thảo, các chuyên gia Thụy Điển đã chia sẻ các điển hình thành công tại Thụy Điển và trong khu vực. Đại diện Hiệp hội quản lý chất thải Thụy Điển cho biết, quản lý chất thải được coi là một dịch vụ công cộng nhưng được phân chia vai trò, trách nhiệm rõ ràng giữa các công ty tư nhân – chính phủ, giữa các thành phố.
Thảo luận tại hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, sau một thời gian tập trung vào phát triển kinh tế, hiện Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như hạn tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, đất và rác thải. Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn có thể giúp Việt Nam hạn chế tình trạng khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên và hạn chế các phát thải, chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất của Việt Nam trong việc áp dụng mô hình nền kinh tế tuần hoàn đó là vấn đề quản lý thu gom và tái chế tài nguyên rác - nguyên liệu đầu vào cho mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bộ Tài nguyên và môi trường đã xây dựng chính sách khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, thu gom tái chế sắt, giấy vụn... Hiện đã xuất hiện một số mô hình như KCN sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên. Hay vào tháng 6 vừa qua, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cũng đã được thành lập…
Ông Jeffrey Fielkow, Giám đốc Điều hành Tetra Pak Việt Nam, cho biết: "Chúng ta không nên xem các vấn đề môi trường như là biến đổi khí hậu hay rác thải một cách riêng lẻ mà cần phải nhìn các vấn đề trong một tổng thể thống nhất. Để giải quyết được vấn đề này, chúng ta cần phải đạt được mô hình kinh tế tuần hoàn mở trong đó không chỉ là vấn đề tái chế, tái sử dụng mà còn phải tính cả tác động của carbon trong nguyên liệu và sản xuất".