Thủy triều đỏ ở Hải Phòng

  •  
  • 3.353

Tảo sinh sôi với mật độ cao khiến vùng biển Cát Bà, Hải Phòng xuất hiện "thủy triều đỏ", với các lớp váng màu đỏ hoặc hồng trên mặt nước kéo dài hơn một tháng qua.

>>> Năng lượng xanh từ thủy triều

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản phát hiện hiện tượng thủy triều đỏ xảy ra tại khu vực ven biển Đồ Sơn - Cát Bà. Sau khi lấy mẫu, phân tích, tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản cho biết, loài tảo giáp Noctiluca scintillans, chủng màu đỏ chính là tác nhân gây ra thuỷ triều đỏ ở ven biển Cát Bà.

Thủy triều đỏ là tên gọi chung cho những hiện tượng được biết đến như là những đợt bùng phát tảo biển "nở hoa", thường xảy ra ở cửa sông.

Hiện tượng thủy triều đỏ, hay còn gọi là tảo "nở hoa" ở vùng biển Cát Bà, Hải Phòng.
Hiện tượng thủy triều đỏ, hay còn gọi là tảo "nở hoa" ở vùng biển
Cát Bà, Hải Phòng. (Ảnh do tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyên cung cấp)

"Từ cuối tháng 3 đến nay, loài tảo này bùng phát với mật độ cao, tạo ra các váng nước nổi trên bề mặt. Lớp váng có màu từ hồng nhạt đến đỏ tuỳ thuộc vào mật độ và giai đoạn phát triển của tảo", tiến sĩ Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, do tương tác thuỷ triều và dòng chảy, một số khối nước mang theo thuỷ triều đỏ trôi dạt và lưu lại vùng ven bờ, vịnh kín yên tĩnh, nơi chúng có điều kiện tiếp tục gia tăng về mật độ, tạo các lớp váng dày đặc, gây nên các dải thuỷ triều đỏ đậm đặc tại một số vũng, áng, âu thuyền ven đảo Cát Bà và Đồ Sơn.

Ông Nguyên cho rằng, noctiluca scintillans không sinh độc tố, nên không có nguy cơ gây ngộ độc cho người hay thuỷ sản. Nhưng chúng có khả năng tích tụ ammoniac với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước. Mật độ cao của chúng còn gây tình trạng cạn kiệt ô xy trong vực nước, từ đó có thể gây chết thuỷ sản.

Viện Nghiên cứu Hải sản khuyến cáo người dân cần theo dõi và đề phòng những tác động tiêu cực đến nuôi thủy sản, nhất là khu vực cá lồng tập trung trong các âu, vịnh kín. Trong trường hợp bị dải thủy triều đỏ đậm đặc bao phủ các hộ nuôi cá lồng bè thì phải hạ thấp lồng để tạo không gian cho cá tránh lớp nước thủy triều đỏ, khoảng 3-5cm tầng mặt.

Thủy triều đỏ lần đầu tiên được ghi nhận ở Hải Phòng tháng 6/2002. Trong năm qua, Viện Nghiên cứu Hải sản phát hiện 3 đợt bùng phát thủy triều đỏ tại khu vực Cát Bà.

Tảo "nở hoa" có thể làm biển màu đỏ, màu xanh, hoặc màu xám hay màu cám gạo. Thủy triều đỏ khi tràn vào bờ biển Bình Thuận.
Tảo "nở hoa" có thể làm biển màu đỏ, màu xanh, hoặc màu xám hay màu cám gạo.
Thủy triều đỏ khi tràn vào bờ biển Bình Thuận. (Ảnh: Viện Hải dương học Nha Trang)

Tại Việt Nam, hiện tượng triều đỏ chủ yếu xuất hiện ở khu vực vùng biển Nam Trung Bộ hơn là Vịnh Bắc Bộ và Nam Bộ. Trong đó Bình Thuận là nơi có hiện tượng này thường xuyên, hàng năm từ tháng 3 đến tháng 9 nhất là thời kỳ gió mùa tây nam mạnh lên.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, Viện Hải dương học Nha Trang, người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về thủy triều đỏ, mầm tảo sẵn trong biển, cùng với yếu tố môi trường, nước ấm, ánh sáng mạnh có thể gây nên hiện tượng bùng phát số lượng tế bào tảo, tạo nên sự đổi màu của nước, được gọi là thủy triều đỏ, còn gọi là tảo "nở hoa".

Tiến sĩ Lâm cảnh báo, hầu hết các loài tảo gây nở hoa đều có thể làm cho môi trường xấu đi qua sự tiêu giảm lượng ôxy hòa tan trong nước, đồng thời làm cho động vật biển chết hàng loạt.

Theo VNE
  • 3.353