Tiếp bước NASA, Ấn Độ tính đưa trực thăng vào sứ mệnh sao Hỏa

  •  
  • 91

Ấn Độ có kế hoạch gửi một chiếc máy bay trực thăng lên sao Hỏa, lấy ý tưởng từ trực thăng Ingenuity của NASA, dự kiến nó cũng sẽ mang theo một số dụng cụ.

Được biết, Chương trình Sứ mệnh đầu tiên của Ấn Độ tới Hành tinh Đỏ, bao gồm Tàu quỹ đạo sao Hỏa Mars Orbiter Mission (MOM), còn có biệt danh là “Mangalyaan” - được phóng vào tháng 11/2013, và đi vào quỹ đạo quanh sao Hỏa vào tháng 9/2014. Tàu vũ trụ này đã tiến hành nghiên cứu khoa học trên quỹ đạo quanh Hành tinh Đỏ trong 8 năm, trước khi bị mất liên lạc vào năm 2022.

Ấn Độ đang có kế hoạch gửi một chiếc trực thăng lên Sao Hỏa
Ấn Độ đang có kế hoạch gửi một chiếc trực thăng lên sao Hỏa, lấy ý tưởng từ máy bay bốn cánh Ingenuity của NASA. (Ảnh: NASA)

Tuy nhiên, Chương trình Sứ mệnh sao Hỏa tiếp theo của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sẽ tham vọng hơn rất nhiều. Trong đó, nó có thể bao gồm một chiếc máy bay trực thăng, nối bước theo chiếc máy bay trực thăng không người lái Ingenuity tiên phong của NASA. Tổ chức ISRO hiện đang nghiên cứu ý tưởng này, họ khẳng định, phương tiện sẽ bay cùng với tàu đổ bộ sao Hỏa của Ấn Độ, dựa kiến sẽ cất cánh vào khoảng đầu những năm 2030.

Jayadev Pradeep, một nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Vũ trụ tại Trung tâm Vũ trụ Vikram Sarabhai, cho biết trong một cuộc hội thảo trực tuyến gần đây rằng, chiếc trực thăng được lên kế hoạch cho sứ mệnh hạ cánh trên sao Hỏa tiếp theo sẽ mang theo một bộ công cụ nhất định để khám phá hành tinh này trên không.

Theo kế hoạch, máy bay trực thăng không người lái này sẽ mang theo cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm, cảm biến áp suất, cảm biến tốc độ gió, cảm biến điện trường, cảm biến theo dõi dấu vết và cảm biến bụi để đo lường, nghiên cứu các đặc tính của bầu khí quyển Hỏa tinh.

Điểm cộng là phương tiện trên không này có khả năng bay cao tới 100 mét so với bề mặt sao Hỏa để xác định, nghiên cứu bầu khí quyển. Để so sánh, máy bay trực thăng Ingenuity của NASA đạt độ cao tới chỉ 24 mét trong tổng thời gian bay hơn 2 giờ, và bao phủ khoảng cách nằm ngang tầm khoảng 17km.

Máy bay trực thăng Ingenuity đã hạ cánh cùng với tàu thăm dò Perseverance của NASA trên miệng núi lửa Jezero của sao Hỏa vào tháng 2/2021. Nó không chỉ chứng minh rằng, các chuyến bay trực thăng có thể thực hiện được trong bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa, mà còn vượt xa nhiều mong đợi.

Theo yêu cầu, nhiệm vụ chính của Ingenuity là thực hiện 5 chuyến bay trình diễn công nghệ, nhưng cuối cùng chiếc trực thăng đã thực hiện tới 72 chuyến bay trên sao Hỏa, trước khi bị hạ cánh vĩnh viễn do hư hỏng cánh quạt vào tháng 1/2024.

Cập nhật: 27/02/2024 VTC
  • 91