Cuộc điều tra tai nạn máy bay đầu tiên ở hành tinh khác

  •  
  • 108

Ingenuity, trực thăng nghiên cứu sao Hỏa của NASA, gặp tai nạn vào ngày 18/1/2024 do sự cố với hệ thống dẫn đường.

Trực thăng Ingenuity của NASA, cất cánh trên sao Hỏa lần đầu vào ngày 19/4/2021, là phương tiện bay đầu tiên hoạt động trên hành tinh khác. Đây thực sự là một điều kỳ diệu và mọi chuyến bay đều vượt qua sự mong đợi của nhóm thiết kế. Nhưng ngày 18/1/2024, trong chuyến bay thứ 72, chiếc trực thăng nhỏ gặp tai nạn và hỏng cánh quạt, khiến nhiệm vụ bay phải kết thúc.

Các kỹ sư từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA và AeroVironment đang hoàn tất bản đánh giá chi tiết về những vấn đề xảy ra hôm đó, trở thành cuộc điều tra tai nạn máy bay đầu tiên ở hành tinh khác. Cuộc điều tra kết luận rằng tai nạn bắt nguồn từ sự cố với hệ thống dẫn đường. Nhiều khả năng hệ thống đã không cung cấp dữ liệu chính xác, dẫn đến một chuỗi sự kiện chấm dứt hoạt động của Ingenuity, IFL Science hôm 11/12 đưa tin.


Trực thăng Ingenuity (phải) gần đỉnh của một gợn cát trong hình ảnh do robot Perseverance chụp ngày 24/2/2024. Một phần cánh quạt nằm cách trực thăng khoảng 15 m về phía tây (trái). (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/LANL/CNES/CNRS).

Trong chuyến bay cuối cùng, trực thăng đã lên cao 12m, lơ lửng tại chỗ và chụp ảnh mặt đất đầy cát bên dưới. Vào giây thứ 19 của chuyến bay, Ingenuity bắt đầu hạ xuống. 13 giây sau, nó đã ở trên mặt đất, nhưng cánh quạt bị hư hỏng. Mặt đất tương đối trống trải có lẽ đã gây tác động không tốt. Không có vật thể để theo dõi, hệ thống dẫn đường không biết vị trí chính xác của trực thăng, dẫn đến việc lao xuống quá mạnh.

"Khi điều tra một vụ tai nạn từ khoảng cách hơn 100 triệu dặm (160 triệu km), bạn không có bất kỳ hộp đen hay nhân chứng nào. Dù có nhiều kịch bản khả dĩ với dữ liệu hiện tại, có một kịch bản mà chúng tôi tin là nhiều khả năng xảy ra nhất: Việc thiếu kết cấu bề mặt khiến hệ thống dẫn đường thu được quá ít thông tin để hoạt động", phi công đầu tiên của Ingenuity, kỹ sư Håvard Grip tại JPL, cho biết.

Dù không còn khả năng di chuyển, Ingenuity vẫn tiếp tục gửi các bản cập nhật hàng tuần về thời tiết và hệ thống điện tử hàng không, rất quan trọng với việc thiết kế phương tiện trong tương lai. Ingenuity ban đầu dự kiến chỉ thực hiện 5 chuyến bay trong 30 ngày. Nó được thiết kế từ những vật liệu giá rẻ sẵn có và chỉ nhằm mục đích chứng minh cách tiếp cận như vậy là khả thi. Cuối cùng, nó đã hoạt động tới gần ba năm, thực hiện 72 chuyến bay, bay xa hơn dự kiến 30 lần, đồng thời cũng nhanh hơn và cao hơn.

"Vì Ingenuity được thiết kế với chi phí thấp trong khi đòi hỏi sức mạnh tính toán lớn, chúng tôi đã trở thành nhóm nhiệm vụ đầu tiên đưa bộ xử lý điện thoại di động thương mại vào không gian sâu. Chúng tôi đang tiến đến mốc 4 năm hoạt động liên tục. Điều này cho thấy không phải mọi thứ đều cần lớn hơn, nặng hơn và chống bức xạ thì mới có thể hoạt động trên môi trường sao Hỏa khắc nghiệt", Teddy Tzanetos, quản lý dự án Ingenuity, cho biết.

Kết quả điều tra mới được trình bày tại Hội nghị Hiệp hội Địa vật lý Mỹ. Tại hội nghị, Tzanetos cũng chia sẻ thông tin chi tiết về phương tiện kế nhiệm tiềm năng của Ingenuity: trực thăng Mars Chopper. Phương tiện này có thể chở vài kg thiết bị khoa học và di chuyển tới 3 km một ngày.

Cập nhật: 13/12/2024 VnExpress
  • 108