Để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 2011-2020 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã giao nhiệm vụ khá “nặng” cho ngành khoa học công nghệ (KHCN).
Tuy đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua, song để thực hiện nhiệm vụ nói trên, ngành KHCN còn rất nhiều việc phải làm. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quân, Thứ trưởng thường trực Bộ KHCN xoay quanh vấn đề này.
Nhiều thành tựu, nhưng “chảy máu” chất xám là thách thức.
- Thưa Thứ trưởng, thời gian qua, ngành KHCN đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?
Thứ trưởng Nguyễn Quân: Trong 10 năm qua, ngành KHCN đã làm được nhiều việc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó phải kể đến việc hoàn thành cơ bản nền tảng pháp lý cho hoạt động KHCN bằng việc xây dựng và trình Quốc Hội thông qua 8 đạo luật chuyên ngành. Có thể kể ra đây các đạo luật quan trọng như : luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 góp phần để Việt Nam gia nhập WTO thành công, Luật năng lượng nguyên tử năm 2008 đặt nền móng cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào năm 2020…
Về đổi mới quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước, chúng ta đã thành lập văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, thực hiện tốt cơ chế tuyển chọn (đấu thầu), xét chọn đề tài. Trên cơ sở đó, chọn đúng nhiệm vụ, giao đúng cho người thực hiện và có thể đi đến cùng tạo ra sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu.
Ngoài ra, trong tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội thì KHCN cũng đã đựơc ứng dụng, đem lại kết quả tốt. Ví dụ như trong nông nghiệp, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đánh giá KHCN đã đóng góp khoảng 30% giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Trong công nghiệp, chúng ta có một số sản phẩm mang tầm khu vực, thế giới như Chip điểu khiển 32 Bit, chế tạo dàn khoan nổi 60m nước, hệ thống cần cẩu tải trọng lớn 1200 tấn, xy lanh thủy lực giúp công trình thủy điện Sơn La đi vào hoạt động trước thời hạn 2 năm…
- Đạt được nhiều thành công, song vẫn còn đó những hạn chế. Theo Thứ trưởng, đâu là lực cản, kìm hãm sự phát triển nền KHCN nước nhà thời điểm hiện tại?
Thứ trưởng Nguyễn Quân: Ngành KHCN còn tồn tại 3 vấn đề lớn, cần phải quan tâm.
Thứ nhất, đó là việc tổng đầu tư xã hội cho KHCN còn thấp. Hiện, phần lớn kinh phí đầu tư cho KHCN là từ ngân sách nhà nước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị khoa học, của các nhà khoa học cũng như hiệu quả của các nhiệm vụ nghiên cứu.
Hiện nay, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thì các thủ tục, quy định về tài chính còn chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN. Chúng ta vẫn dùng cơ chế tài chính của các cơ quan hành chính để áp dụng cho KHCN mà không tính đến tính chất đặc thù của ngành như tính mạo hiểm, rủi ro, độ trễ… Trong khi đó, nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, xã hội có thể có cơ chế thông thoáng hơn nhưng lại chưa huy động được bao nhiêu. Bởi vậy, các tổ chức khoa học chưa có đủ kinh phí đầu tư phát triển cơ sở vật chất, nghiên cứu, hợp tác quốc tế.
Thứ 2 là nhận thức của xã hội và các cấp lãnh đạo quản lý về vai trò của KHCN hiện nay còn chưa tương xứng với vị trí KHCN trong nền kinh tế. Nhiều địa phương chưa sử dụng đúng mục đích kinh phí đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ, chưa bố trí đủ biên chế cho cơ quan quản lý khoa học và các đơn vị sự nghiệp công ích, chưa cơ cấu lãnh đạo cơ quan khoa học vào cấp ủy. Chúng ta cũng chưa có chế độ ưu đãi cho các nhà khoa học nghiên cứu có kết quả đưa vào sản xuất.
Thứ 3 là về thu nhập của những người làm khoa học còn quá thấp so với mặt bằng chung. Cán bộ khoa học ngoài tiền lương do nhà nước quy định gần như không có các chế độ phụ cấp như các ngành khác như phụ cấp nghề, thâm niên, trách nhiệm... Trong khi đó, những người hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ có tiền lương cơ bản theo ngạch bậc quy định. Điều này sẽ không khuyến khích, không tạo điều kiện cho các nhà khoa học toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu.
Hiện nay, việc chảy máu chất xám trong khoa học là khá nghiêm trọng. Rất nhiều cán bộ trẻ, có năng lực không muốn làm việc ở cơ quan nhà nước mà làm việc cho doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài. Nguy cơ thiếu hụt đội ngũ cán bộ nghiên cứu giỏi bắt đầu xuất hiện.
“Cầm máu” cách nào?
- Vậy, với vai trò của mình, Bộ KHCN đã có đề xuất gì để khắc phục những nhược điểm trên, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Quân: Thời gian qua, Đề án đổi mới quản lý hoạt động KHCN cũng đã đề cập, và chúng tôi cũng đã nỗ lực giải quyết các vấn đề này. Hiện, chúng tôi đang xây dựng chiến lược phát triển ngành đến 2020, trong đó sẽ có những biện pháp cụ thể để tiếp tục khắc phục.
Ví dụ, để tăng nguồn đầu tư của xã hội cho khoa học và công nghệ, chúng tôi đề xuất phải có chế tài, thông qua quy định của Luật, Nghị định, yêu cầu doanh nghiệp phải dành một khoản lợi nhuận trước thuế (khoảng trên 10%) thành lập quỹ phát triển KHCN cho chính mình hoặc đóng góp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của địa phương. Như vậy, cùng với đầu tư của nhà nước, chúng ta sẽ có nguồn đầu tư tăng gấp 3-4 lần so với hiện nay. Bộ KHCN phấn đấu đến 2020, đầu tư của xã hội cho ngành vào khoảng 2% GDP, gấp gần 3 lần so với hiện nay (hiện mới khoảng 0,7- 0,8% GDP, trong đó nhà nước đầu tư 0,5%, xã hội là 0,2-0,3% GDP).
Chúng tôi cũng đang xây dựng đề án đổi mới cơ chế tài chính cho KHCN. Trong đó quy định rõ nội dung, định mức và thủ tục chi tiêu tài chính phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, để các nhà khoa học có thể phát huy tối đa năng lực của mình, được tự chủ cao về tài chính và không quá phụ thuộc vào thủ tục tài chính phức tạp như hiện nay. Chúng tôi cũng xây dựng chính sách trọng dụng và sử dụng cán bộ khoa học, trong đó có cơ chế tự chủ và ưu đãi cho các nhà khoa học được nhà nước giao nhiệm vụ của quốc gia...
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP để thực sự giao quyền tự chủ cao nhất cho tổ chức khoa học và công nghệ và các nhà khoa học, cho ra đời nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của Nghị định 80/2007/NĐ-CP tạo ra một lực lượng sản xuất mới có năng suất lao động cao, giá trị gia tăng lớn.
Có như vậy, mới mong ngành KHCN phát triển một cách bền vững, người làm khoa học yên tâm làm việc.
- Hiện chúng ta đã xây dựng được 17 phòng thí nghiệm trọng điểm, trong đó có 15 phòng đã hoàn thành giai đoạn đầu tư và đi vào hoạt động. Làm thế nào để các phòng thí nghiệm trọng điểm này phát huy được hiệu quả như trong Dự thảo chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn mới đề ra?
Thứ trưởng Nguyễn Quân: Hệ thống phòng thí nghiệm trọng điểm rất quan trọng với mỗi quốc gia. Đây là một loại hình tổ chức công nghệ được đầu tư lớn, có tính tự chủ cao. Do đó, để nó phát huy tác dụng phải cho nó cơ chế phù hợp mà chúng tôi gọi là cơ chế mở.
Thực tế, hầu hết các phòng thí nghiệm trọng điểm của chúng ta vẫn hoạt động theo cơ chế khép kín. Nhà nước đầu tư cho một trường, viện nghiên cứu nào đó phòng thí nghiệm trọng điểm và người ta coi đó là của riêng mình. Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ có cán bộ của trường, viện ấy được quyền sử dụng, quyền khai thác, còn các nhà khoa học ở bên ngoài khó tham gia vào quá trình này. Mặc dù, đội ngũ cán bộ khoa học của đơn vị đó có thể không khai thác tối đa công suất, hiệu quả hoạt động của trang thiết bị đã được đầu tư.
Tôi cho rằng, chỉ trên cơ sở tạo được một cơ chế mở để tất cả những người làm khoa học trong nước, các nhóm khoa học mạnh của các vùng khác nhau khi có nhiệm vụ phù hợp mục tiêu của phòng thí nghiệm đều có quyền đến đó nghiên cứu. Như vậy mới tận dụng tối đa trang thiết bị, năng lực của phòng thí nghiệm trọng điểm.
- Hiện Bộ KHCN đã có cơ chế chưa, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Quân: Có rồi. Chúng tôi đã ban hành quy chế tổ chức hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm, thành lập các Hội đồng Phòng thí nghiệm trọng điểm, giao trực tiếp nhiệm vụ nghiên cứu cho phòng thí nghiệm này. Ngoài ra, Bộ KHCN còn ban hành nhiều quy định khác nhau như về cơ chế tài chính, nhân lực, kinh phí chi thường xuyên của phòng thí nghiệm trọng điểm...
Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm này có cơ quan chủ quản, cơ quan chủ trì, qua nhiều tầng lớp quản lý trung gian nên tính tự chủ của phòng thí nghiệm này còn ở mức độ rất thấp.
Một điều khó là, quy định quản lý thì do Bộ khoa học và công nghệ ban hành, nhưng cơ quan quản lý trực tiếp là các viện, trường, Bộ chủ quản. Và như thế, nếu các đơn vị này không chủ động chỉ đạo thực hiện cơ chế mở thì quy định của bộ KHCN cũng khó đi vào thực tế./.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!