Phiến đá thời Đồ Đồng khai quật năm 1900 là bản đồ khu vực ven sông Odet dài gần 30km.
Một nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Bournemouth và nhiều viện khác xác định những dấu vết khắc cách đây 4.000 năm và mô tả một khu vực ở Tây Brittany, Pháp. Phiến đá mang tên Saint-Bélec bao gồm nhiều đặc điểm có thể gặp ở bản đồ tiền sử như mô típ lặp lại kết hợp với các đường thẳng. Bề mặt khắc cho thấy phiến đá được tạo hình ba chiều để mô phỏng thung lũng sông Odet, trong đó vài đường kẻ dường như đại diện cho mạng lưới sông.
Phiến đá Saint-Bélec. (Ảnh: D. Gliksman/INRAP).
"Tấm bản đồ là hình vẽ mặt đất", nhóm nghiên cứu cho biết. "Phiến đá Saint-Bélec mang 3 đặc điểm là minh chứng rõ rệt nhất của thuật vẽ bản đồ thời tiền sử, đó là thành phần đồng nhất với các hình khắc giống hệt nhau về kỹ thuật và phong cách cùng mô típ lặp lại".
Phiến đá bị lãng quên trong thời gian dài khi chuyển khắp các địa điểm khác nhau vòng quanh nước Pháp. Saint-Bélec được tái sử dụng lần đầu tiên trong một cấu trúc mộ đầu thời Đồ đồng. Phiến đá tạo thành một trong những bức vách của quan tài đá chứa nhiều hài cốt và mặt có hình khắc đặt quay vào trong mộ.
Khi khai quật vật thể vào năm 1900, các chuyên gia đã chuyển nó tới Bảo tàng Cổ vật Quốc gia năm 1924, sau đó di chuyển tới địa điểm khác ở Pháp. Tuy nhiên, mãi tới năm 2017, nhóm nghiên cứu ở Viện khảo cổ quốc gia Pháp (INRAP), Đại học Bournemouth và Đại học Tây Brittany mới chú ý tới phiến đá.
Sử dụng khảo sát 3D độ phân giải cao và phép quang trắc trên phiến đá rộng 1,5m và dài 1,8m, nhóm nghiên cứu có thể xác nhận hình khắc trùng khớp 80% với một khu vực bao quanh sông Odet dài gần 30km. "Đây có thể là bản đồ lãnh thổ cổ nhất từng được nhận dạng", tiến sĩ Clément Nicolas ở Đại học Bournemouth, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. "Có vài bản đồ khắc trên đá trên khắp thế giới. Nhìn chung, đó chỉ là bản diễn giải. Nhưng đây là lần đầu tiên có một bản đồ mô tả khu vực ở quy mô cụ thể".