Tìm thấy chiếc bát thủy tinh 2.000 năm nguyên vẹn dưới lòng đất

  •  
  • 1.391

Chiếc bát La Mã màu xanh lam có kích thước tương đương bàn tay, làm bằng thủy tinh với điểm nhấn là các sọc trang trí bao quanh.

Các nhà khảo cổ phát hiện bát thủy tinh La Mã màu xanh lam niên đại 2.000 năm trong chuyến khai quật tại thành phố Nijmegen, Hà Lan, cuối năm ngoái, Smithsonian hôm 28/1 đưa tin. Chiếc bát có kích thước bằng lòng bàn tay, vùi dưới lòng đất hàng thế kỷ nhưng vẫn rất nguyên vẹn, gần như không bị mài mòn. Điểm đặc biệt của nó là ở những họa tiết sọc dọc.

Bát thủy tinh xanh ước tính có niên đại khoảng 2.000 năm.
Bát thủy tinh xanh ước tính có niên đại khoảng 2.000 năm. (Ảnh: Municipality of Nijmegen)

"Những chiếc bát như vậy được chế tạo bằng cách để thủy tinh nóng chảy nguội và cứng lại theo khuôn. Họa tiết được vẽ khi hỗn hợp thủy tinh vẫn ở dạng lỏng. Oxit kim loại tạo ra màu xanh lam", trưởng nhóm khảo cổ Pepijn Van de Geer, giải thích.

Nijmegen là một trong những thành phố cổ xưa nhất Hà Lan, theo Đại học Radboud. Ban đầu, người La Mã cổ đại lập một doanh trại quân đội gần Nijmegen vào thế kỷ 1, cùng khoảng thời gian chiếc bát thủy tinh được chế tạo. Khu định cư dần mở rộng và trở thành thành phố La Mã đầu tiên ở nơi ngày nay là Hà Lan.

Tên hiện đại của Nijmegen trong tiếng Hà Lan bắt nguồn từ cụm Noviomagus trong tiếng Latin, nghĩa là "thị trường mới". Vị trí nhìn ra sông Waal của nơi này mang lại cho các lực lượng La Mã lợi thế quân sự chiến lược và khả năng tiếp cận những tuyến đường thương mại.

Vì Nijmegen đóng vai trò đặc biệt như một khu trung tâm của các hoạt động La Mã cổ đại, nhóm chuyên gia cho rằng bát thủy tinh xanh có thể được nghệ nhân La Mã chế tạo hoặc các thương nhân mang đến. Theo Van de Geer, chiếc bát có thể được sản xuất trong các xưởng thủy tinh ở Đức hoặc Italy, trở thành một mặt hàng giá trị để mua bán.

"Với người dân của khu định cư cổ xưa, chiếc bát này có giá trị to lớn", Van de Geer nhận định. Ông cho rằng nó là món đồ tạo tác thực sự đặc biệt và xứng đáng góp mặt trong bộ sưu tập của bảo tàng.

Ngoài bát thủy tinh, các nhà khoa học cũng khai quật nhiều ngôi mộ, bát đĩa và đồ trang sức. Họ hy vọng có thể tiếp tục nghiên cứu mẫu đất từ một giếng cổ được phát hiện tại Nijmegen để tìm hiểu thêm về các loại cây trồng trong vùng.

Cập nhật: 30/01/2022 Theo VnExpress
  • 1.391