Tìm thấy gien chi phối tập tính di trú của chim

  •  
  • 1.557

Nhân loại đã biết tới tập quán di cư xuống miền nam vào mùa đông của các loài chim, nhưng làm thế nào chúng đạt được khả năng đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp và các nhà khoa học đang bắt đầu làm sáng tỏ vấn đề này.

Mỗi năm, khoảng 50 tỉ con chim tiến hành di trú, một cuộc “hành hương” mệt mỏi và thường kèm theo những thay đổi về chế độ ăn uống, sinh lý học và tập tính.

Theo chuyên san New Scientist, để tìm hiểu cơ sở di truyền cho những thay đổi này, Jakob Mueller và các cộng sự thuộc Viện Điểu cầm học Max Planck tại Starnberg (Đức) đã bắt những con chim từ 14 quần thể chim đầu đen châu Âu (có tên khoa học là Sylvia atricapilla), một loài chim chích sống tại khu vực Bắc Âu vào mùa hè và tại Nam Âu hoặc Bắc Phi vào mùa đông.


Chim đầu đen châu Âu

Những con chim này chỉ hoạt động vào ban ngày, nhưng chúng sẵn sàng bay vào ban đêm trong suốt thời gian di trú.

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi và ghi nhận mức độ bồn chồn vào ban đêm của những con chim bị bắt giữ, một biểu hiện đặc trưng cho tập tính di trú trong tự nhiên, và lấy mẫu máu để tìm những dấu hiệu di truyền chi phối những biến đổi trong hoạt động về đêm của chúng.

Các chuyên gia phát hiện những biến đổi hoạt động về đêm của các con chim có liên quan đến gien có tên gọi ADCYAP1.

Gien này không chỉ thôi thúc hoạt động vào ban đêm của các con chim, mà nó còn mã hóa PACAP, loại protein có vai trò quan trọng trong việc tiết melatonin, chuyển hóa năng lượng và nuôi dưỡng chim.

Những chức năng này rất cần thiết đối với chúng trong quá trình chuẩn bị cho những chuyến bay dài. “Đây là bước đầu tiên đưa nghiên cứu về sự di trú của loài chim xuống đến mức độ phân tử”, ông Mueller nói.

Theo chuyên gia David Winkler thuộc Đại học Cornell tại New York (Mỹ), nghiên cứu này là “bề nổi của tảng băng” trong việc nắm bắt cơ sở di truyền của tập tính di trú.

Đây cũng là một bước quan trọng trong quá trình tìm hiểu có thể sẽ mất nhiều thập kỷ.

Theo Thanh niên
  • 1.557