Toàn cảnh trận động đất tương đương 32 quả bom nguyên tử ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

  •  
  • 549

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter kèm dư chấn xảy ra ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã gây ra thảm họa nghiêm trọng. Lực lượng cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian để giải cứu người sống sót cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Động đất mạnh tương đương 32 quả bom nguyên tử

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường đổ nát sau trận động đất
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường đổ nát sau trận động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2/2023. (Ảnh: THX/ TTXVN).

Trận động đất độ lớn 7,8 xảy ra lúc 4h17 sáng, tâm chấn ở độ sâu khoảng 18 km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60 km. Con số thiệt hại về người và tài sản đã tăng lên nhanh chóng, trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để xác định vị trí của những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của hàng nghìn tòa nhà bị sập.

Tính đến sáng 8/2 (giờ Hà Nội), số người thiệt mạng đã lên tới gần 7.900 người. Một quan chức Liên hợp quốc nhận định có thể hàng nghìn trẻ em đã thiệt mạng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh.

Đây được xem là trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ ở khu vực này. Giám đốc Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines, ông Renato Solidum, nhận định trên tờ The New York Times rằng năng lượng giải phóng ra từ trận động đất ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm.

Theo Cơ quan quản lý thảm họa và khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ, động đất đã khiến hơn 5.600 tòa nhà bị san phẳng. Tổng cộng có 14.720 người đang tham gia hỗ trợ tại khu vực xảy ra thảm họa.

Trong báo cáo đưa ra khoảng 30 phút sau trận động đất, các chuyên gia Mỹ ước tính có 34% khả năng số người thiệt mạng ở mức 100 - 1.000 người và 31% khả năng số người thiệt mạng ở mức 1.000 - 10.000 người. Thiệt hại về kinh tế là tương đương 1% tổng sản phẩm quốc nội của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thảm họa.

Nguyên nhân động đất gây thương vong lớn

Chuyển thi thể nạn nhân sau trận động đất tại thành phố Aleppo, miền Bắc Syria ngày 7/2.
Chuyển thi thể nạn nhân sau trận động đất tại thành phố Aleppo, miền Bắc Syria ngày 7/2. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Dự kiến số nạn nhân thiệt mạng sẽ còn tiếp tục tăng lên khi mức độ nghiêm trọng của thảm họa này trở nên rõ ràng hơn.

Các chuyên gia cho biết một số yếu tố đã làm phức tạp thêm trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ông Mustafa Erdik, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Động đất và Quan sát Kandilli của Đại học Bogazici ở Istanbul, nói với kênh Al Jazeera: “Một trong những lý do khiến số thương vong quá cao là do chất lượng kém của các tòa nhà”.

Kế hoạch Hành động và Chiến lược Động đất Quốc gia giai đoạn 2012 đến 2023 của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh rằng, mức độ di cư ồ ạt và nhanh chóng trong những năm 1950 đã dẫn đến quá trình phát triển đô thị nhanh nhưng không được quản lý tốt, khiến các thành phố trở nên rất dễ bị tổn thương trước các hiểm họa tự nhiên.

Sau trận động đất năm 1999, các tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải giảm thiểu rủi ro khi nước này dễ xảy ra động đất. Năm sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua luật để thực thi kiểm tra thiết kế và kiểm tra xây dựng bắt buộc đối với tất cả tòa nhà. Tuy nhiên, các tòa nhà được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế chống động đất vẫn chiếm số ít. Ông Erdik nói. “Những tòa nhà đã sập đều được xây từ trước năm 2000”.

Một lý do khác khiến con số thương vong cao là thời điểm trận động đất đầu tiên xảy ra là khi mọi người đang ngủ: lúc 4:17 sáng (giờ địa phương) và khiến nhiều người mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Ông Chris Elders, Giáo sư Đại học Curtin của Australia, cho biết tâm chấn nông cũng góp phần khiến động đất trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Thế giới chung tay khắc phục hậu quả

Ngay sau khi động đất xảy ra, thế giới đã khẩn trương hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả.

Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân thiệt mạng sau trận động đất tại Kahramanmaras
Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân thiệt mạng sau trận động đất tại Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2/2023. (Ảnh: AFP/ TTXVN).

Các cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc (LHQ) đã đồng loạt triển khai các nỗ lực nhằm giúp đỡ hàng nghìn nạn nhân tại hai quốc gia này. Tổng Thư ký LHQ António Guterres ra tuyên bố nêu rõ LHQ cam kết hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực khắc phục hậu quả trận động đất, đồng thời xác nhận các đội cứu trợ của LHQ đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để đánh giá nhu cầu cần thiết. LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ hàng nghìn người dân là nạn nhân của thảm họa này, trong đó rất nhiều người cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp đang mắc kẹt tại những khu vực khó tiếp cận.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 23 triệu người, trong đó có 1,4 triệu trẻ em, tại hai nước có thể chịu ảnh hưởng của trận động đất. WHO đang gửi hàng cứu trợ khẩn cấp, đồng thời kích hoạt mạng lưới đội ngũ y tế khẩn cấp nhằm hỗ trợ khu vực xảy ra động đất.

Các nước cũng điều lực lượng hỗ trợ tới khu vực xảy ra thiên tai. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga thông báo trên 100 nhân viên cứu hộ nước này cùng với trang thiết bị cần thiết đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ khắc phục hậu quả của động đất.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Đức sẽ bổ sung 1 triệu euro cho tổ chức viện trợ Malteser International và đang tìm cách thức hỗ trợ tài chính cho các đối tác viện trợ nhân đạo khác nhằm giúp các nạn nhân động đất tại Syria.

Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos cũng thông báo nước này sẽ cử một đội gồm 85 người đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ, tìm kiếm và cứu nạn các nạn nhân động đất.

Ngày 7/2, Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã chỉ đạo Trung tâm Cứu trợ và viện trợ nhân đạo King Salman thiết lập một cầu hàng không để trợ giúp các nạn nhân của trận động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã chỉ thị cử 5 máy bay quân sự chở hàng viện trợ y tế khẩn cấp tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để đóng góp cho các nỗ lực cứu trợ.

Cũng trong ngày 7/2, các chuyến máy bay cứu trợ đầu tiên của Jordan và Kuwait đã cất cánh chở đầy thiết bị cứu hộ, lều, vật liệu hậu cần và y tế cho các nạn nhân của trận động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ ngoại giao Qatar cũng thông báo nước này sẽ viện trợ 10.000 căn hộ di động cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trước đó, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã ra lệnh lập cầu hàng không để hỗ trợ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Liban cho biết sẽ cử 35 kỹ sư tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác cứu hộ tại 2 nước này. Lực lượng Phòng vệ Dân sự Liban - lực lượng thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và chữa cháy - cũng đang gửi các đơn vị nghiệp vụ tới hỗ trợ những nỗ lực cứu hộ tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Liban thông báo sẽ cử các đội cứu hộ tới 2 quốc gia này theo đề nghị của hai chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Phú Tân Hương, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Đại sứ quán đã tích cực liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại và bà con cộng đồng người Việt để tìm hiểu thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp có công dân Việt Nam là nạn nhân của trận động đất và liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình. Tính tới 6/2, chưa có thông tin về người Việt thiệt mạng, chỉ có người bị thiệt hại vật chất.

Cập nhật: 08/02/2023 TTXVN/Báo Tin Tức
  • 549