"Tóm" những tay săn bắn trộm bằng thú rừng robot

  •  
  • 971

Một con nai với cặp sừng to đang đứng ven rừng thì bất chợt một chiếc xe tải lao tới. Khi con nai quay đầu lại thì một nòng súng xuất hiện. Bỗng có tiếng hô lớn vang lên: Buông súng xuống! Đây là nhân viên bảo vệ thú rừng. Hai nhân viên bảo vệ thú rừng nhảy ra khỏi bụi cây làm cho tay săn trộm sững sờ, còn con nai robot vẫn bình chân như vại.

Năm 2006, Kiểm lâm Mỹ bắt được đến 50 vụ săn trộm nhờ những con vật giả như vậy. Đây là một dụng cụ để bắt kẻ gian rất hữu hiệu. Đại tá Jeff Gray thuộc Cục Bảo vệ cá và thú rừng bang New Hampshire là một khách hàng thường xuyên của Công ty Custom Robotic Wildlife, một công ty chuyên sản xuất những con thú trông giống hệt như thật với động cơ ở trong giúp đầu và đuôi chúng cử động được.

Nai robot nặng 20 pound

Nai robot nặng 20 pound (Ảnh: zdnet.com)

Ngoài con nai, ông đã đặt mua 6 con gà tây robot. Mỗi con nai robot có giá 1.300 USD. Mặc dù giá hơi cao, nhưng khi chúng giúp bắt được một tay săn trộm thì quân gian phải nộp phạt hàng trăm USD, vì vậy, theo Đại tá Gray, chính phủ sẽ thu lại tiền vốn rất nhanh.

Nếu chúng tôi tìm thấy một khẩu súng nạp đạn sẵn trong một chiếc xe ở những khu săn bắn mà chủ sở hữu không có giấy phép săn thì tiền phạt có thể lên tới 1.200USD. Đối với những tội danh nghiêm trọng hơn như săn bất hợp pháp vào ban đêm thì tiền phạt lên tới 2.400USD. Đại tá Gray cho biết, nguồn nhân lực và tài lực dành cho Cục Bảo vệ cá và thú rừng chỉ có hạn, vì thế mấy con thú giả này giúp ông rất nhiều trong chi phí công vụ.

Tại cơ xưởng của Công ty chuyên sản xuất thú giả tự động Custom Robotic Wildlife ở Mosinee, bang Wisconsin, ông Brian Wolslegel và người thợ phụ Mike Kleman cưa cặp sừng ra khỏi đầu một con nai. Sau đó, cặp sừng được đem gắn vào thân con vật làm bằng chất xốp polyurethane và bọc lớp da bên ngoài.

Xong xuôi, động cơ và pin được gắn vào để cho đầu đuôi con vật có thể cử động được bằng một dụng cụ điều khiển từ xa. Tại đây, ông Wolslegel đang cho thử một con chồn giả có gắn động cơ. Không ai có thể nghe thấy tiếng rè rè rất nhỏ phát ra từ động cơ, trừ khi người ta đứng cách nó chỉ một sải tay.

Kể từ năm 1993, công ty của ông Wolslegel đã sản xuất những con vật giả cử động được này cho các viện bảo tàng, các cửa hàng bán mồi săn, và cho các khách hàng tư, nhưng khách đặt hàng nhiều nhất vẫn là các cơ quan bảo vệ thú rừng của chính phủ. “Chúng tôi cung cấp cho họ 60 con nai đuôi trắng, 40 con gà tây và hàng chục con hươu” - Wolslegel cho biết.

Những tay săn trộm bị phạt than phiền rằng sử dụng những con vật giả tức là hành vi gài bẫy họ phạm tội. Tuy nhiên, ông David Youngquist thuộc Cục Tài nguyên thiên nhiên bang Wisconsin, nói rằng sử dụng những con vật giả đó là để bảo vệ cho việc săn bắn an toàn hợp pháp và hợp đạo đức.

Vào một buổi sáng, ông Youngquist và một nhân viên bảo vệ thú rừng đang đem một con nai robot từ nơi khác đến đặt ở khu vực cần bảo vệ, nó được gọi là Donald, theo tên của kẻ săn trộm đầu tiên mà nó giúp bắt được. Khu vực này trong bang Wisconsin đầy rẫy những tay săn trộm.

Con nai robot Donald đã bị bắn 15 lần và 15 lần nó giúp giới hữu trách chộp được kẻ săn trộm. Và trong chốc lát, con nai robot này sẽ lại bắt tay vào việc. Ông Youngquist và nhóm nhân viên bảo vệ thú rừng đã nằm phục sẵn, chờ giây phút công nghệ cao hiện đại ra tay, giúp giải quyết một tệ nạn đã có từ rất lâu.

Đan Kô

Theo Technology News, CAND.com.vn
  • 971