Một loài tôm mà người dân ở miền nam nước Mỹ thường mua để chế biến thức ăn đang bành trướng và tiêu diệt hàng loạt sinh vật ở châu Phi.
>>> Phát hiện "Tôm hùm Noel" vỏ trắng như tuyết
National Geographic đưa tin tôm đồng Louisiana, còn được gọi là tôm đầm lầy đỏ, đang tiêu diệt cá nước ngọt, trứng cá, động vật thân mềm, động vật giáp xác và cây thủy sinh tại châu Phi. Với chiều dài trung bình khoảng 15cm và có khả năng di chuyển theo tư thế "đứng thẳng", chúng đang tung hoành trong các ao, hồ và sông tại Kenya, Nam Phi, Rwanda, Uganda, Zambia, Ai Cập và nhiều nước khác.
Các nhà bảo tồn lo ngại tôm đầm lầy đỏ sẽ di chuyển tới các nước Đông Phi như Malawi, Tanganyika và Victoria. Những hồ nước ngọt ở Đông Phi là nơi sinh sống của hàng nghìn loài sinh vật mà con người không thể tìm thấy ở nơi khác.
“Bằng cách tiêu diệt các loài động vật và thực vật trong các sông, hồ và đầm lầy, tôm đầm lầy đỏ có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái và làm giảm những chức năng sinh thái quý giá”, Geoffrey Howard, điều phối viên toàn cầu về các loài xâm lấn của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), phát biểu.
Một con tôm đầm lầy đỏ trong hồ Naivasha tại Kenya. (Ảnh: National Geographic)
Kenya và Nam Phi là hai nước đầu tiên ở châu Phi nhập khẩu tôm đầm lầy đỏ vào thập niên 70. Chúng được nuôi trong các bể cá, công viên hải dương trước người ta thả chúng vào hồ Naivasha tại Kenya để nuôi. Chúng được bán sang khu vực Scandinavia, nơi chúng được coi là đặc sản. Trước đó Kenya cũng có tôm đồng, song chúng đã chết hết bởi một căn bệnh.
“Hồi ấy chẳng ai nghĩ tôm đầm lầy đỏ là một mối đe dọa, nhưng thực tế chúng đã gây tác động xấu tới nguồn thủy sản trong hồ Naivasha. Do chúng ăn trứng cá và cá nhỏ nên số lượng cá trong hồ giảm mạnh”, Howard kể.
Người ta tiếp tục thả tôm đầm lầy đỏ vào các vùng nước ngọt xung quanh các thành phố Nairobi, Kiambu, Limuru của Kenya để tiêu diệt ốc sên mang ký sinh trùng. Nhưng do tôm đào hang trong đập, bờ sông và bờ hồ nên cơ sở hạ tầng và diện mạo của một số khu vực đã thay đổi đáng kể theo hướng tiêu cực. Chẳng hạn, hoạt động đào hang của tôm khiến nước trong các kênh rò rỉ, đập sụp xuống và bờ sông, hồ xói mòn.
Không có kẻ thù tự nhiên, lại có khả năng thích nghi với môi trường nên tôm đầm lầy đỏ thực sự là một loài xâm lấn thành công.
“Chúng có thể di chuyển ở tư thế đứng vừa bơi ngược dòng. Bơi xuôi dòng trong sông và suối là việc dễ dàng đối với chúng”, Howard nói.
Arne Witt, một chuyên gia của Trung tâm Nông nghiệp Sinh học Quốc tế (CABI), cho hay, tôm đầm lầy đỏ còn có khả năng thay đổi thức ăn theo điều kiện môi trường. Chúng có thể ăn nhiều loài, từ sinh vật phù du tới động vật lưỡng cư.
“Nhiều loài thực vật thủy sinh biến mất bởi sự phàm ăn của tôm đầm lầy đỏ”, Witt khẳng định.
Sự phàm ăn của tôm đầm lầy đỏ khiến lượng mồi của cá, chim và nhiều loài động vật săn mồi khác giảm.