Trạm đổ bộ Trung Quốc "chết cóng" trên Mặt trăng

  •  
  • 1.127

Trạm đổ bộ Hằng Nga 5 không thể tiếp tục hoạt động do trải qua nhiệt độ -190 độ C khi Mặt trời lặn.

Trạm đổ bộ của tàu Hằng Nga 5 đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ mang mẫu vật Mặt trăng về Trái đất của Trung Quốc. Hệ thống hạ cánh hoàn hảo và tiếp đất nhẹ nhàng ở vùng lòng chảo Oceanus Procellarum của Mặt trăng hôm 1/12 trước khi tiến hành lấy mẫu vật và thực hiện nhiều thí nghiệm khoa học khác.

Mô phỏng trạm đổ bộ Hằng Nga 5 trên bề mặt Mặt trăng.
Mô phỏng trạm đổ bộ Hằng Nga 5 trên bề mặt Mặt trăng. (Ảnh: CNSA).

Mặt trời lặn phía trên tàu vũ trụ đậu gần đỉnh núi lửa Mons Rümker ở phía tây bắc vùng nửa sáng của Mặt trăng hôm 11/12. Không có thiết bị sưởi bằng đồng vị phóng xạ như trạm đổ bộ của các tàu Hằng Nga 3 và Hằng Nga 4, hệ thống điện tử trên tàu Hằng Nga 5 trải qua nhiệt độ xuống tới -190 độ C.

Tuy nhiên, tàu vũ trụ dường như đã ngừng hoạt động. Các báo cáo cho thấy trạm đổ bộ bị hư hỏng khi đóng vai trò như bệ phóng cho phương tiện cất cánh khởi hành lên quỹ đạo thấp của Mặt trăng hôm 3/12. Phương tiện cất cánh mang mẫu vật do mũi khoan và cánh tay robot của trạm đổ bộ thu thập và vận chuyển tới tàu quay quanh quỹ đạo Mặt trăng. Camera trên trạm đổ bộ ghi lại quá trình phóng của phương tiện cất cánh, bắt đầu bằng cơ cấu lò xo trước khi kích hoạt động cơ cung cấp lực đẩy 3.000 Newton.

Trạm đổ bộ vẫn truyền dữ liệu về Trái đất nhưng không tiến hành thêm hoạt động nào từ sau đó. Máy dò vô tuyến cũng không phát hiện bất kỳ tín hiệu nào từ trạm đổ bộ sau khi phương tiện cất cánh khởi hành. Việc tàu Hằng Nga 5 ngừng hoạt động nằm trong dự đoán của các kỹ sư và nhà khoa học Trung Quốc. Trạm đổ bộ đã thực hiện những mục tiêu đề ra và hoạt động tối đa trong nhiệm vụ phức tạp kéo dài 23 ngày.

Ngoài thu thập 2 kg mẫu vật, trạm đổ bộ còn tiến hành thí nghiệm với radar xuyên đất, giúp cung cấp thông tin về các lớp đất bên dưới khu vực hạ cánh. Quang phổ kế có chức năng chụp phân tích thành phần lớp bụi bề mặt trong khi camera toàn cảnh mang tới khung cảnh chi tiết về lòng chảo Oceanus Procellarum. Mỗi khung hình được ghép từ 120 bức ảnh. Một thí nghiệm khác phát hiện bụi tích điện ở khu vực hạ cánh bằng thiết bị mang tên cân vi lượng tinh thể thạch anh. Các nhà khoa học suy đoán tác động của phương tiện cất cánh tới bề mặt Mặt trăng hôm 7/12 đã mang bụi tới gần trạm đổ bộ Hằng Nga 5.

Tàu quay quanh quỹ đạo Hằng Nga 5 bắt đầu hành trình trở về Trái đất hôm 12/12 với khoang hồi quyển chứa mẫu vật Mặt trăng. Theo dự kiến, tàu sẽ hạ cánh xuống Trái đất vào khoảng ngày hôm nay 17/12.

Cập nhật: 17/12/2020 Theo VnExpress
  • 1.127