Tranh cãi về "sự sống trên sao Hỏa"

  •   1,33
  • 5.265

Các nhà khoa học và toán học quốc tế tuyên bố các robot của Mỹ tìm thấy vi khuẩn trên hành tinh đỏ vào năm 1976, song phát hiện đã bị bỏ qua.

>>> Sao Hỏa thích hợp cho sự sống

Khi hai robot mang tên Viking 1 và Viking 2 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) được phóng lên sao Hỏa vào năm 1976, chúng thực hiện sứ mệnh tìm kiếm dấu hiệu của vi khuẩn trong các mẫu đất trên hành tinh đỏ. Sau khi phân tích dữ liệu mà hai robot gửi về, các nhà khoa học thời đó kết luận chúng không tìm thấy dấu hiệu của sự sống, mà chỉ phát hiện hoạt động địa chất.

Robot mang tên Viking 2 của Mỹ hoạt động trên bề mặt sao Hỏa vào năm 1976.
Robot mang tên Viking 2 của Mỹ hoạt động trên
bề mặt sao Hỏa vào năm 1976. (Ảnh: NASA)

Joseph Miller, một nhà sinh học của Đại học Southern California tại Mỹ, cùng các nhà toán học và khoa học quốc tế phân tích dữ liệu do hai robot Viking 1 và Viking 2 thu thập khi chúng khám phá bề mặt sao Hỏa cách đây 36 năm, Discovery đưa tin.

“Dựa trên những thứ mà chúng tôi đã thấy, tôi có thể tin chắc tới 99% rằng sự sống tồn tại trên sao Hỏa”, Miller tuyên bố.

Nhóm nghiên cứu khẳng định NASA không cần đưa người lên sao Hỏa để kiểm chứng sự tồn tại của vi khuẩn. Thay vào đó NASA nên đưa robot có máy quay để ghi hình hoạt động của vi khuẩn.

"Một đoạn video về hoạt động của vi khuẩn trên sao Hỏa là bằng chứng đáng thuyết phục nhất. Họ nên đưa cả một kính hiển vi lên đó để quan sát vi khuẩn", Miller bình luận.

Những người phản đối Miller cho rằng, chưa ai chứng minh phương pháp nghiên cứu của nhóm Miller có thể phát hiện hoạt động của sinh vật trên trái đất. Vì thế nhóm của ông chưa nên công bố bất kỳ kết luận nào.

Theo VNE
  • 1,33
  • 5.265