Tránh thai bằng thuốc tiêm và cấy que dưới da

  •   3,84
  • 25.503

Trên thế giới, triệt sản được áp dụng tránh thai chiếm tỉ lệ cao nhất là 44%. Kế đến là tránh thai bằng dụng cụ tử cung chiếm 26%, có 14% dùng thuốc viên, 9% dùng bao cao su... Tuy nhiên, hiện nay vẫn có khoảng 350 triệu phụ nữ không biết cách tránh thai. Mỗi biện pháp tránh thai đều phụ thuộc vào một số tiêu chí như: lứa tuổi, sức khỏe, số con đã có, thời gian muốn tránh thai, điều kiện sinh hoạt...

Tránh thai 3 tháng với thuốc tiêm

Theo bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện (BV) Từ Dũ TPHCM, sử dụng thuốc tiêm là một cách tránh thai an toàn. Mỗi mũi tiêm có tác dụng tránh thai trong 3 tháng vì chứa một hàm lượng cao hormone progestin. Thuốc có hiệu quả tránh thai cao, rất tiện cho phụ nữ không có điều kiện uống viên tránh thai hằng ngày. Hiệu quả của thuốc trong số người sử dụng có thể đến 97%, có nghĩa rằng 100 phụ nữ dùng thuốc trong một năm thì có 3 người bị mang bầu.

Ngừa thai bằng thủ thuật đặt vòng (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Khi dùng thuốc tiêm tránh thai, chu kỳ kinh nguyệt có thể bị thay đổi như kinh không đều, hoặc hoàn toàn không thấy kinh. Sự cố này không có hại và kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường sau khi ngừng thuốc. Sự hồi phục kinh nguyệt bình thường sau khi ngừng thuốc có thể chậm, đôi khi vài tháng sau mới thấy có kinh trở lại, do đó khả năng sinh sản cũng bị chậm theo. Ngoài ra, phụ nữ tránh thai bằng cách này có thể tăng cân, cương đau vú và trầm cảm nhưng không tăng nguy cơ bị cục máu và bệnh tim mạch. Nếu muốn dùng dài hạn từ 2 năm trở lên, chị em nên đo tỉ trọng xương trước khi dùng thuốc và kiểm tra định kỳ.

Thuốc tiêm tránh thai có hiệu quả cao nhưng không phải ai cũng thích hợp. Chính vì vậy, trước khi có ý định dùng thuốc tránh thai dạng tiêm, nên hỏi ý kiến thầy thuốc để được tư vấn đầy đủ về lợi ích và tác dụng phụ có thể gặp của thuốc. Thuốc sẽ được tiêm vào vùng trên của cánh tay hay vào mông 3 tháng 1 lần. Mũi tiêm đầu tiên sẽ được tiêm trong 5 ngày đầu của thời gian hành kinh để có hiệu quả ngay tức khắc.

Que cấy dưới da ngừa thai 3 năm

Hiện đại nhất, có hiệu quả tuyệt đối nhất chính là cấy que ngừa thai dưới da tay không thuận của người phụ nữ. Sau khi cấy, que sẽ phát huy tác dụng sau 24 tiếng và có hiệu quả trong 3 năm. Trong que cấy có chứa nội tiết tố nên khoảng thời gian được cấy que không cần sử dụng đến bất kỳ biện pháp tránh thai nào khác. Qua ghi nhận tại BV Từ Dũ, không có trường hợp nào bị “vỡ kế hoạch” trong thời gian sử dụng que cấy tránh thai.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Khoa Kế hoạch hóa gia đình BV Từ Dũ, cho biết có khoảng 12% trường hợp bị vô kinh, 24% rong kinh, hơn 3% trường hợp sử dụng que cấy tránh thai cảm thấy đau đầu, khoảng 4% bị mụn trứng cá... Ngoài ra, còn có những phản ứng phụ khác như tăng cân nhẹ, căng tức ngực, cảm giác khô âm đạo. Nguyên nhân là vì thời gian đầu mới sử dụng thuốc, nội tiết cơ thể thay đổi đột ngột, mất cân bằng trong cơ thể nên sinh ra các phản ứng như trên. Nhưng càng về sau cơ thể càng ổn định vì đã thích ứng với các hoạt chất mới trong cơ thể.

Bất cứ lúc nào muốn có thai người phụ nữ ngưng sử dụng là có thể mang thai. Tuy nhiên, nên ngưng áp dụng biện pháp tránh thai này từ 3 tháng trở lên trước khi mang thai để cơ thể trở về trạng thái ổn định. Thủ thuật cấy que được thực hiện nhanh chóng và hầu như không có tai biến nào. Do chi phí cho một lần cấy que ở Việt Nam còn cao, khoảng 2 triệu đồng nên phương pháp này vẫn còn ít phổ biến.

Đặt vòng tử cung và những biến chứng

Tại Việt Nam, biện pháp tránh thai được sử dụng rộng rãi nhất là dùng dụng cụ tử cung (đặt vòng), nhất là ở các vùng nông thôn, chiếm khoảng 50%. Theo bác sĩ Dương Phương Mai, đặt vòng tránh thai có thể đưa đến tắc nghẽn vòi trứng, thủng tử cung hoặc có thể đặt nhầm cho phụ nữ đang mang thai nếu thầy thuốc không làm các xét nghiệm trước.

Những trường hợp không thể đặt vòng được như: người bị viêm đa cấp âm đạo, phụ nữ vừa sẩy thai, nhiễm trùng hậu sản, đang nghi ngờ có thai, buồng tử cung không bình thường, có u xơ tử cung dưới nội mạc, tử cung đôi. Đối với những trường hợp viêm nhiễm, người phụ nữ phải điều trị hết bệnh mới có thể đặt vòng.

Theo Người lao động
  • 3,84
  • 25.503