Trẻ bị Kawasaki dễ mắc bệnh mạch vành

  •  
  • 1.109

Bệnh Kawasaki đang ngày một gia tăng ở Việt Nam trong mấy năm gần đây. Cứ 2 trẻ mắc bệnh này nhập viện muộn thì có một bị biến chứng bệnh mạch vành.

Lòng bàn chân, bàn tay đỏ là dấu hiệu bệnh Kawasaki.

Kawasaki là tình trạng viêm các mạch máu nhỏ và trung bình trong cơ thể, với triệu chứng sốt dai dẳng, phát ban, đỏ môi miệng, mắt, chân tay... Khởi đầu, trong giai đoạn cấp, các mạch máu của bệnh nhi Kawasaki sẽ bị viêm ở quy mô nhỏ. Nếu không được điều trị trong vòng 12 ngày, tình trạng viêm sẽ lan rộng toàn bộ mạch máu, gây phình mạch, tạo cục máu đông và nghẽn mạch. Sau đó, những tổn thương này trở thành dạng nốt, dạng hạt và cuối cùng hóa sẹo làm xơ hóa mạch máu. Khi đó, các mạch máu sẽ không thể đưa đầy đủ máu đến tim, dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim.

Kawasaki là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mạch vành ở trẻ em, là một trong những nguyên nhân gây đột tử và suy mạch vành về lâu dài ở người lớn. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, chủ yếu là 6-24 tháng. Biểu hiện sớm nhất là sốt cao liên tục không giải thích được, có lúc sốt tự khỏi nhưng sau đó tái phát liên tục.

Ngoài ra, mắt trẻ bị sung huyết đỏ, trẻ thường nhắm mắt do sợ ánh sáng. Tiếp theo là dấu hiệu môi rất đỏ, có khi nứt và chảy máu. Lưỡi cũng màu đỏ và có gai như quả dâu tây. Phát ban trong bệnh Kawasaki thường xuất hiện vào ngày thứ ba đến ngày thứ năm, bắt đầu ở chân tay rồi lan ra đến thân mình. Ban thường nổi rõ khi sốt cao.

Khi mắc bệnh, trẻ thường không chịu cầm nắm bất kỳ vật gì và cũng không chịu bước đi do lòng bàn tay, bàn chân bị đỏ, giới hạn từ cổ tay, cổ chân trở xuống. Sau 2 tuần, da bàn tay, bàn chân sẽ bong, bắt đầu từ ngón. Đặc biệt, trẻ cũng bị hồng ban đỏ quanh hậu môn và da ở nơi này cũng bị bong tương tự sau 2 tuần. Dấu hiệu quan trọng ít được chú ý ở trẻ bệnh Kawasaki là hạch ở một bên vùng cổ hay dưới hàm, sờ vào hạch trẻ có cảm giác đau. Hạch cổ nhỏ đi khi sốt thuyên giảm.

Trong giai đoạn cấp, ngoài các dấu hiệu trên, đôi khi trẻ còn bị nôn, tiêu chảy, quấy khóc, ho, sổ mũi. Nếu có viêm mạch máu ở tim, trẻ có dấu hiệu rối loạn nhịp tim và có thể tử vong trong tuần đầu tiên.

Bệnh Kawasaki rất khó phát hiện vì triệu chứng thường xuất hiện không đầy đủ cùng lúc trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn bộc phát, bệnh còn có nhiều rối loạn khác nhau ở các cơ quan như hệ tiêu hóa, hô hấp; vì vậy dễ chẩn đoán lầm. Thậm chí có lúc bệnh tự lành khiến bác sĩ và bệnh nhân dù điều trị không đúng bệnh vẫn cứ nghĩ là đã giải quyết đúng. Thêm vào đó, do cổ của trẻ ngắn nên dấu hiệu hạch cổ đôi lúc biểu hiện không rõ ràng, khó sờ thấy. Nếu siêu âm hạch cổ thì chẩn đoán dễ hơn.

Bệnh Kawasaki xảy ra ở trẻ càng nhỏ tuổi hoặc lớn hơn 5 tuổi thì triệu chứng càng không điển hình. Bệnh có biểu hiện sốt kèm theo một vài dấu hiệu nhưng không đầy đủ; thậm chí có khi sốt dai dẳng, tái phát nhiều lần và chỉ được phát hiện khi có biến chứng tim. Ngoài các dấu hiệu lâm sàng kể trên, không có xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bệnh. Do vậy, cha mẹ cần theo dõi cẩn thận khi con bị sốt kéo dài.

Biến chứng tim mạch

Biến chứng tim mạch có thể xuất hiện ở giai đoạn cấp (trong vòng 2 tuần từ khi khởi bệnh), bán cấp (sau 4 đến 8 tuần) hoặc giai đoạn di chứng, có thể kéo dài đến 13 năm. Những biến chứng có thể gặp là tổn thương van tim, cơ tim; thường gặp là thay đổi kích thước động mạch vành, gồm có phình mạch hay hẹp tắc. Phình động mạch vành thường không thể trở về kích thước bình thường; về lâu dài sẽ dẫn đến những cơn nhồi máu cơ tim, đột tử. Bệnh mạch vành thường rất khó điều trị. Đòi hỏi những kỹ thuật cao rất tốn kém như nong mạch, phẫu thuật bắc cầu, ghép tim hiện chưa thực hiện được rộng rãi tại các bệnh viện Nhi.

Trẻ có nguy cơ bệnh mạch vành cao nếu mắc Kawasaki khi nhỏ hơn 1 tuổi hoặc lớn hơn 8 tuổi, nhất là trẻ trai. Ngoài ra, những trẻ nhập viện muộn, không được điều trị đặc hiệu kịp thời hoặc không đáp ứng với điều trị cũng là những đối tượng nguy cơ cao. Bệnh nhân Kawasaki cần hạn chế vận động để tránh các biến chứng tim mạch. Cho trẻ nghỉ ngơi tại giường trong giai đoạn cấp. Cần chú ý dinh dưỡng vì trẻ bị đau miệng, quấy khóc, biếng ăn. Nên cho uống nhiều nước, ăn những thứ trẻ ưa thích, cố gắng cho ăn đủ chất để tăng sức đề kháng.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
  • 1.109