Trí thông minh nhân tạo vào cuộc sống

  •  
  • 865

Xe hơi robot tự lái qua sa mạc, mắt điện tử thực hiện nhiệm vụ của nhân viên cứu hộ trong hồ bơi và những đối thủ thật sự với hành vi giống như con người chiến đấu với các game thủ... là một số trong rất nhiều thành quả trong lĩnh vực nghiên cứu trí thông minh nhân tạo.

Một nửa thế kỷ sau khi khái niệm trí thông minh nhân tạo ra đời, các nhà khoa học và kỹ sư đã gặt hái được những thành công vượt bậc trong việc bắt chước não người, mở đường cho sự ra đời các sản phẩm thiết thực cho đời sống.

Khái niệm trí thông minh nhân tạo ra đời năm 1950 khi nhà toán học Alan Turing đề nghị thử nghiệm để xác định liệu có hay không một chiếc máy có thể suy nghĩ và nhận thức. Cuối thập niên 1950, lĩnh vực nghiên cứu này nổi lên và các nhà khoa học nỗ lực xây dựng hệ thống có thể lặp lại khả năng của con người như nói, nghe, trả lời và suy luận.

Andrew Ng (trái) tại Đại học Stanford dẫn đầu dự án tạo ra robot có trí thông minh nhân tạo
Andrew Ng (trái) tại Đại học Stanford dẫn đầu dự án tạo ra robot có trí thông minh nhân tạo. (Ảnh: baocantho)
Thập niên 1960-1970, các nhà nghiên cứu thiết kế chương trình phần mềm máy tính mà họ gọi là “hệ thống chuyên gia”, một cơ sở dữ liệu kết hợp các nguyên tắc logic. Tuy nhiên, các máy tính thời đó chưa đủ khả năng và dữ liệu về cấu trúc và chức năng của não sinh học như các nhà nghiên cứu hiện nay hiểu biết. Sự thiếu thốn này dẫn đến sự thất bại của thế hệ trí thông minh nhân tạo đầu tiên được gọi là Mùa đông AI vào thập niên 1980. Tuy nhiên, hiện nay Mùa xuân AI đã và đang bắt đầu “sống dậy” khi các nhà khoa học phát triển lý thuyết về các công trình trí tuệ người.

Các bước tiến bộ có thể thấy được qua quá trình phát triển các dự án mới với xu hướng tạo ra máy móc có khả năng nâng cao tính an toàn và an ninh, giải trí và thông báo hoặc chỉ điều khiển các nhu cầu thường nhật. Ví như tại Đại học Stanford (Mỹ), các nhà khoa học máy tính đang phát triển robot có thể dùng búa và tuộc-vít để lắp ráp kệ sách Ikea (dự án vượt ngoài tầm với của nhiều người) cũng như dọn dẹp sau bữa tiệc, rửa chén hoặc đổ rác. Tiên phong trong lĩnh vực này là “người hầu điện tử” đang được xây dựng có khả năng đàm thoại với chủ nhân hoặc đòi thêm thức ăn cho vật nuôi.

Vừa qua, Công ty Poseidon Technologies (Pháp) tung ra thị trường hệ thống quan sát dưới nước có chức năng hỗ trợ nhân viên cứu hộ ở các hồ bơi. Hệ thống này sẽ đưa ra báo động khi có người chết đuối. Tháng 10 năm ngoái, xe hơi robot do các kỹ sư Stanford thiết kế đã đi qua 132 dặm đường sa mạc mà không cần sự can thiệp của con người, “ẵm” giải thưởng 2 triệu USD của cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiến bộ Quốc phòng Mỹ. Đây là một kỳ công vì tại cuộc thi đầu tiên 18 tháng trước, chiếc xe tốt nhất đi không quá 11,2 km rồi bị mắc kẹt khi đi vào đường núi. Các nhà nghiên cứu của Microsoft đang thực hiện ý tưởng về chương trình phần mềm có thể đoán nơi bạn đang du lịch. Dựa vào chuyến đi trước đó, phần mềm sẽ đưa ra các thông tin có thể bổ ích về nơi mà bạn dự định đi tới... Còn rất nhiều tiến bộ vượt bậc khác xuất hiện khắp nơi trên thế giới xuất phát từ các mô hình sinh học mới của não.

Mặc dù đa phần các dự án có thể mất nhiều năm nữa mới được khai thác thương mại nhưng giới khoa học cho rằng sau thời gian trầm lắng, trí thông minh nhân tạo đã phát triển nhanh và tinh vi hơn. Hiện nay, một số chuyên gia bắt đầu sử dụng khái niệm máy tính nhận thức để phân biệt nghiên cứu của họ với thế hệ trí thông minh nhân tạo trước đây.

N.MINH

Theo NYTimes, Báo Cần Thơ
  • 865