"Tro tàn thần chết" từ vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Mỹ

  •   4,67
  • 10.964

Do tính toán sai, vụ thử bom nhiệt hạch có sức công phá lớn nhất của Mỹ với mật danh Castle Bravo vào năm 1954 đã tạo ra thảm họa lớn về sinh thái và môi trường.

Sự khác nhau giữa bom nguyên tử và nhiệt hạch

Sáng ngày 3/1/1954, khi mặt trời còn chưa mọc, thủy thủ đoàn con tàu Daigo Fukuryu Maru của Nhật đang đánh bắt ngoài khơi quần đảo Marshall ở bắc Thái Bình Dương bỗng nhìn thấy một quầng sáng chói lòa trên bầu trời và nghe thấy âm thanh như tiếng sấm.

Chỉ vài phút sau, họ nhặt được trên tàu những hạt bụi màu xám, mà sau này nhiều người nhớ lại và gọi đó là "tro tàn của thần chết". Đến chiều tối, vài người trong số họ buồn nôn và có những vết bỏng kỳ lạ trên cơ thể mà không rõ nguyên nhân. Đến ngày 14/3, khi quay về đất liền, họ mới biết rằng mình đã bị nhiễm phóng xạ từ một vụ thử bom nhiệt hạch tai tiếng của Mỹ, theo Slate.fr.

Castle Bravo là mật danh của vụ thử bom nhiệt hạch nhiên liệu khô đầu tiên, được kích nổ tại đảo san hô Bikini, quần đảo Marshall, mở đầu cho chuỗi thử nghiệm của chiến dịch Castle của Mỹ. Đây là quả bom nhiệt hạch mạnh nhất do Mỹ kích nổ với mức năng lượng đạt tới 15 Megaton (gấp 1000 lần năng lượng của một trong hai quả bom hạt nhân mà Mỹ thả xuống Nhật Bản), vượt xa mức dự kiến ban đầu là 4-6 Megaton.

Đám mây phóng xạ hình nấm hình thành sau vụ nổ Castle Bravo.
Đám mây phóng xạ hình nấm hình thành sau vụ nổ Castle Bravo. (Ảnh: US Air Force).

Vụ nổ đã tạo ra một quả cầu lửa có thể được nhìn thấy từ đảo Kwajalein cách đó đến 450km. Sức công phá của vụ nổ đã tạo nên một hố sâu 70m và có đường kính 2.000m.

Theo các nhà khoa học hạt nhân của Liên Xô, sở dĩ vụ nổ giải phóng mức năng lượng vượt dự kiến là bởi các nhà khoa học Mỹ đã sai lầm trong việc lựa chọn chất đồng vị lithium để chế tạo bom. Điều này dẫn đến phản ứng nhiệt hạch quá mạnh đến mức không thể kiểm soát được.

Trước khi tiến hành thử nghiệm, các chuyên gia Mỹ đã tính toán kỹ mức độ phát tán phóng xạ, dân cư sinh sống tại các đảo cách tâm vụ nổ 60km đều được di tản để khỏi bị nhiễm xạ, tàu bè di chuyển trong vùng cũng được thông báo không được tiến vào khu vực hạn chế.

Tuy nhiên việc dự đoán sai các điều kiện thời tiết và hướng gió thay đổi đột ngột khiến đám mây phóng xạ bị đẩy lên độ cao lớn hơn so với dự kiến và có mức độ phát tán vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia Mỹ gần 100km, tạo nên một cơn mưa bụi màu trắng trong phạm vi rất rộng.

Theo các video tư liệu được ghi lại, đám mây phóng xạ hình nấm với đường kính 11km hình thành từ vụ nổ đạt đến độ cao 14km chỉ trong có một phút đầu tiên và sau đó đạt đến độ cao 40km với đường kính 100km trong vòng 10 phút tiếp theo, làm phát tán phóng xạ trong phạm vi 16km cách tâm vụ nổ, khiến cư dân sinh sống tại các đảo gần đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các chuyên gia của Slate.fr nhận định vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch này đã gây nên một thảm họa thực sự về môi trường. Hàng trăm dân cư sinh sống trên nhiều đảo nhỏ cách tâm vụ nổ lên đến 180km vẫn bị nhiễm xạ với mức cao. Nhiều người trong số họ cũng lần lượt qua đời sau đó do mắc các chứng bệnh liên quan đến phóng xạ.

Ngoài ra, rất nhiều thủy thủ đoàn của các tàu qua lại gần khu vực thử bom cũng bị ảnh hưởng, trong đó phải kể đến trường hợp bị nhiễm xạ của 116 thuyền viên của tàu sân bay USS Bairoki của hải quân Mỹ khiến những quân nhân này có nguy cơ bị ung thư cao.

Thủy thủ trực thông tin của con tàu Daigo Fukuryu Maru qua đời vào mùa thu năm 1954 vì đã bị nhiễm xạ cấp tính, ba thành viên khác cũng qua đời sau đó vài năm vì mắc phải các căn bệnh ung thư khác nhau. Các thủy thủ này bị nhiễm xạ nặng vì họ không nhận được thông báo sơ tán của hải quân Mỹ, nên đã vô tình tiến vào khu vực cách tâm vụ nổ 60km.

Theo Alex Wellerstein, giáo sư sử học đến từ Viện Công nghệ Stevens (Mỹ), vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch Castle Bravo là lời cảnh báo đến sự ngạo mạn và kém hiểu biết của các nhà khoa học hạt nhân thời đó khi tạo ra một vũ khí mà họ không lường trước được sức mạnh và hậu quả của nó.

Cập nhật: 04/09/2017 Theo VnExpress
  • 4,67
  • 10.964