Trung bộ khắc phục lũ, miền Bắc đón đợt lạnh mới

  •  
  • 280

Đến 5/11/2010 mưa đã tạnh, nước lũ ở nhiều sông suối cũng rút xuống thấp, tỉnh Ninh Thuận khắc phục hậu quả lũ nhanh để dần dần ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Trong khi đó, công tác khắc phục hậu quả lũ ở Phú Yên đang gặp nhiều khó khăn.

Ninh Thuận: Dần ổn định đời sống

Tại các xã Xuân Hải, Hộ Hải, Nhơn Hải, Phương Hải…. thuộc huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã khắc phục tốt một số tuyến đường giao thông, người dân đi lại được với những vùng bị chia cắt trước đó, nên việc cứu trợ lương thực và nước uống dễ dàng hơn.

Với sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh, nghĩa tình của nhiều nhà hảo tâm hướng về Ninh Thuận trong cơn mưa lũ giúp người dân vùng lũ sớm khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống sau khi lũ rút đi.

Tại huyện Thuận Nam, ngoài việc huy động thanh niên ở địa phương chia tổ, nhóm đến các thôn Văn Lâm 1, Văn Lâm 2, Văn Lâm 3 để giúp dân thu dọn nhà cửa, làm vệ sinh môi trường. Trên 100 chiến sĩ cơ động đến các huyện Ninh Hải và Thuận Nam tham gia việc sửa chữa đường giao thông liên thôn.


Các địa phương như huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước và Phước Nam bà con nông dân tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa mùa sớm hơn, vì sợ để ngâm nước lâu ngày sẽ bị hư hại.


Hong khô lúa bị ngâm nước trong đợt lũ.


Cuộc sống mới gần trở lại bình thường với bà con nông dân.


Tiếp tục công tác cứu trợ.

Ông Quảng Tài, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Trong ngày đầu tiên khắc phục hậu quả lũ lụt, Ninh Thuận đã tiếp nhận của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trên 3 tỷ đồng cùng với 4 tấn hàng gồm: mì tôm, mùng, mền, quần áo… các địa phương đổ tổ chức cấp phát ngay cho người dân vùng ngập lũ có thêm lương thực và nước uống. Hậu quả cơn lũ năm nay gây ra khá nặng nề nên phải nhờ đến nhiều nguồn cứu trợ mới giúp dân thoát qua cơ cực".

Phú Yên: Thiếu phương tiện cứu hộ

Ông Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Phú Yên cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay của tỉnh là thiếu phương tiện cứu hộ cũng như phương tiện đưa người dân vùng lũ qua lại. Vì vậy tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ ca nô đưa về các vùng dân cư vùng trũng tổ chức cứu hộ, vận chuyển lương thực thực phẩm đến nhân dân vùng lũ”.


Sau 4 ngày chìm trong rốn lũ, người dân Phú Yên đã có thể đi được đến các phiên chợ, xong ngoài củ đậu, bí ngô thì chợ cũng không còn gì vì hoa màu đã bị lũ cuốn hết.

Giao thông tại Phú Yên còn gặp nhiều khó khăn. Con đường từ thôn Thạnh Tuân 1 đi ra thôn Thạnh Tuân 2 (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa) vẫn còn ngập nước. Sau nhiều ngày nước lũ cô lập, người dân Vùng 9, vùng 10 thuộc thôn Tân Long, xã An Định (huyện Tuy An) nay mới đến được phiên chợ.

Trở lại vùng rốn lũ huyện Đồng Xuân, tuyến đường ĐT 642 từ xã Xuân Quang 3 đến xã Xuân Phước (Đồng Xuân) bị sạt lở còn trơ “xương đá”. Cầu Suối Tía (Xuân Quang 3) nằm trên tuyến đường này đang thi công, nhà thầu mở con đường tạm mưa lũ xói lở khoét thành hố sâu.

Để giải quyết ách tắc giao thông, đơn vị thi công đặt những tấm ván nhỏ nối dài lên sườn sắt cầu mới đang chờ đổ bê tông vừa đủ một người đi. Từ thôn Phước Nhuận đi chợ Phước Lộc, phụ nữ “nhát gan” không dám đi xe máy trên tấm ván này vì phía dưới nước chảy cuồn cuộn, còn sườn sắt trống hoác.

UBND xã Xuân Quang 3 phân công cán bộ Đoàn thanh niên, xã đội túc trực đưa người qua lại để tránh nguy hiểm.

Đề phòng lũ quét, sạt lở

Áp thấp nhiệt đới đã dịch chuyển lên hướng vào bờ biển các tỉnh Bình Định – Khánh Hòa (hiện còn cách khu vực này 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 16 giờ ngày 06/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 13,4 đến 14,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 đến 110,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi – Phú Yên.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 – 9 và có mưa dông mạnh.

Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Mưa lũ đã mở rộng lên các tỉnh Tây Nguyên (như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông). Nhiều tuyến đường liên xã, thôn tại Đắk Lắk bị chia cắt cục bộ tại 4 huyện MĐrắc, Krông Pắc, Ea Kar và Krông Bông.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cảnh báo lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục lên; sông Krông Ana tiếp tục xuống. Từ tối (5/11, các sông ở Quảng Trị đã lên.


Sáng 6/11, lũ các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ1 – BĐ2, có nơi trên BĐ2, sông Krông Ana xuống mức 425,0m (BĐ3). Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Đến nay đã có 18 người chết do mưa lũ ở Nam Trung bộ.

Miền Bắc đón đợt không khí lạnh mới

Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương cho biết: hiện nay trên lục địa Trung Quốc có một khối không khí lạnh đang di chuyển chậm xuống phía phía nam. Dự báo khoảng ngày 8-11, bộ phận không khí lạnh này sẽ tác động đến thời tiết các tỉnh miền Bắc.

Đợt không khí lạnh này sẽ khiến miền Bắc và bắc Trung Bộ rét về đêm và sáng sớm, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn.

Nhiệt độ thấp nhất do không khí lạnh gây ra cho khu vực phía đông Bắc Bộ giảm xuống còn 13-15 độ C. Vùng núi khoảng 8-10 độ C. Phía tây Bắc Bộ nhiệt độ dao động trong khoảng 11-13 độ C, vùng cao 7-9 độ C. Thị trấn Sa Pa (Lào Cai) thấp nhất giảm xuống tới 5-7 độ C

Đi kèm với không khí lạnh là thời tiết hanh khô. Miền Bắc sẽ không mưa.

Theo Vietnamnet
  • 280