Người quản lý một bảo tàng tình cờ thấy quả trứng trong ngăn kéo, phát hiện nó được sưu tập hơn 100 năm trước và để quên trong kho lưu trữ.
Alan Knox chú ý đến quả trứng lạ khi đang tìm diệt côn trùng trong phòng lưu trữ của bảo tàng động vật ở Đại học Aberdeen, Anh. Quả trứng này nằm trong ngăn kéo chứa nhiều mẫu vật chưa được đưa vào danh mục.
Quả trứng này là quả trứng duy nhất mà con người có được từ loài Rhinoptilus bitorquatus. (Ảnh: Bảo tàng Aberdeen)
Knox phát hiện ra quả trứng năm 2008. Ngay sau đó, ông đã nhanh chóng kiểm tra một số thông tin cơ bản và bất ngờ với những gì mình tìm được. Kết quả kiểm tra cho thấy quả trứng không thuộc về bất cứ một loài chim nào đã được biết đến.
Ông cũng không tìm được bất kỳ một mô tả chính thức nào về trứng của loài chim quý hiếm mà Jerdon đã phát hiện ra. Điều này khiến Knox đi đến kết luận mẫu vật trong tay ông chính là trứng của loài quý hiếm Chim choi choi (Plover) sống ở miền Nam Ấn Độ
Người ta chỉ biết đến sự tồn tại của chúng qua một vài mẫu vật ít ỏi. Năm 1844, nhà động vật học người Anh, Thomas Jerdon, đã lần đầu tiên thu thập được một mẫu vật về loài này. Sau đó người ta đặt cho chúng cái tên khoa học là Rhinoptilus bitorquatus.
Suốt thế kỷ 20, hầu như tất cả đều tin rằng loài chim mà Jerdon tìm thấy đã tuyệt chủng. Đến năm 1986, một người thợ săn đã bất ngờ phát hiện ra một cá thể Rhinoptilus bitorquatus vẫn sống gần thị trấn Kadapa, Andhra Pradesh, Ấn Độ. Anh ta bắt được chú chim và nuôi nó sống thêm một thời gian. Bharat Bhushan, một chuyên gia về chim của Hiệp hội Lịch sử Tự nhiên Bombay đã đến tận nơi và kiểm chứng sự tồn tại của loài chim quý.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều nghi vấn xung quanh mẫu vật này. “Làm thế nào để có thể xác định một thứ mà trước đó chưa ai từng biết đến?”, Knox đặt câu hỏi trên tạp chí của Đại học Aberdeen.
Biết đâu có ai đó đã sai sót khi dán nhãn cho các mẫu vật? Biết đâu quả trứng lại thuộc về một loài chim nào khác nữa không phải là Rhinoptilus bitorquatus? Và nếu đúng như suy đoán, thì quả trứng cực hiếm này đến Aberdeen bằng cách nào?
Cuối cùng thì Alan Knox cũng tìm được câu trả lời từ kết quả xét nghiệm DNA. Chỉ có năm mẫu da của loài Rhinoptilus bitorquatus được bảo tồn. Hai trong số đó thuộc về một bộ sưu tập ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, London. Một đồng nghiệp của Knox là Stuart Piertney đã tách mẫu xét nghiệm từ quả trứng và mẫu da đem về từ London rồi so sánh chúng.
"Kết quả xét nghiệm cho thấy DNA của hai mẫu vật hoàn toàn trùng khớp, điều đó có nghĩa là chúng cùng loài," Knox và Piertney công bố trên tạp chí của Hiệp hội Lịch sử Tự nhiên Bombay.
Một trong những hình ảnh đầu tiên về loài chim quý hiếm mà Thomas Jerdon phát hiện ra. (Ảnh: Guardian)
Con đường đến với bảo tàng Aberdeen của quả trứng cũng rất thú vị. Theo Knox, nó được sưu tầm năm 1917 bởi Ernest Gilbert Meaton, một bác sĩ thú y làm việc ở Bangalore, miền nam Ấn Độ.
Sau đó George Falconer Rose, một kỹ sư kiêm doanh nhân ở Calcutta đã mua lại bộ sưu tập từ Meaton. Một thời gian sau, Rose tặng quả trứng cho ngôi trường cũ của mình là trường Sư phạm Aberdeen. Cuối cùng đến năm 1978, quả trứng được đưa vào Bảo tàng Động vật học Aberdeen và nằm ở đó cho đến khi Knox phát hiện ra.
"Ai mà biết được còn những báu vật nào ngay trong bảo tàng này đang chờ chúng ta khám phá," Knox và Piertney kết luận đầy hài hước.
Rhinoptilus bitorquatus là loài chim được xếp vào diện cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Quả trứng trên là quả duy nhất của loài này mà con người có được. Sau một thời gian trưng bày, nó đã được đưa vào kho lưu trữ của Bảo tàng Động vật học Aberdeen để bảo quản tốt hơn.