Có 4 loại vắc xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bật đèn xanh tiêm chủng vắc xin đại trà vi mục đích khẩn cấp.
Tại Trung Quốc có 4 đơn vị đang thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 ở giai đoạn 3 (giai đoạn cuối).
4 đơn vị này gồm Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), Công ty dược phẩm sinh học Sinovac Biotech, Công ty sinh học CanSino Biologics và Viện Các chế phẩm sinh học Vũ Hán (trực thuộc Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc - CNBG).
Quốc vương Mohammed bin Rashid al-Maktoum (trái) là một trong những người tình nguyện ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) được tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc hôm 3/11 - (Ảnh: REUTERS).
Tính đến đầu tháng 11-2020 có 4 ứng viên vắc xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3, gồm 3 loại vắc xin bất hoạt và 1 loại vắc xin phát triển theo công nghệ vector virus (Ad5-nCoV sử dụng adenovirus).
Ông Doãn Vệ Đông - chủ tịch Sinovac Biotech - cho biết công ty này đã thử nghiệm 7 phương pháp tiêm chủng khác nhau, cuối cùng nhận thấy hướng nghiên cứu vắc xin bất hoạt là tốt nhất.
Ông này khoe vắc xin CoronaVac có thể "chống lại tất cả các chủng virus SARS-Cov-2 trên thế giới", công ty đủ sức sản xuất 300 triệu liều CoronaVac mỗi năm và đến đầu năm 2021 có đủ vắc xin tiêm chủng đại trà cho người dân.
Đầu tháng 9-2020, Sinovac Biotech thông báo kết quả thử nghiệm vắc xin CoronaVac ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 cho thấy tính an toàn và tính sinh miễn dịch tốt nơi người trưởng thành khỏe mạnh trên 60 tuổi cũng như người 18-59 tuổi.
Mức kháng thể nơi người trên 60 tuổi thấp hơn một chút so với những người ở nhóm tuổi trẻ hơn.
Đến nay có khoảng 60.000 người tình nguyện ở nước ngoài tham gia thử nghiệm các loại vắc xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc.
Ông Doãn Vệ Đông giải thích: "Thử nghiệm vắc xin CoronaVac ở nước ngoài tốt hơn vì tại Trung Quốc đại dịch đã được kiểm soát nên không đủ điều kiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3".
Trong số các quốc gia này có Indonesia, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh (vắc xin CoronaVac của Sinovac Biotech), Pakistan, Saudi Arabia và Nga (vắc xin Ad5-nCoV của CanSino Biologics), Morocco, Peru, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập và Argentina (2 loại vắc xin của CNBG liên kết với Sinopharm).
Bộ phận sản xuất vắc xin của Sinopharm ở Bắc Kinh - (Ảnh: REUTERS).
Trung Quốc dự kiến đến cuối năm nay sẽ sản xuất 610 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 mỗi năm. Số lượng này có thể tăng lên hơn 1 tỉ liều vào năm 2021.
Mặc dù vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, từ tháng 7-2020 Chính phủ Trung Quốc đã bật đèn xanh tiêm chủng đại trà vắc xin cho hàng trăm ngàn người với lý do phục vụ mục đích khẩn cấp.
Công tác tiêm chủng quy mô lớn bắt đầu thí điểm ở tỉnh Chiết Giang.
Theo báo South China Morning Post, nhóm đầu tiên được tiêm chủng ưu tiên gồm nhân viên y tế, nhân viên kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, nhân viên hải quan, nhân viên kiểm soát biên giới, những người làm việc trong các trung tâm cách ly.
Nhóm ưu tiên kế tiếp gồm lao động chủ yếu, viên chức chính phủ, nhân viên thực hiện các sự kiện đặc biệt và người đi công tác nước ngoài. Cuối cùng là tiêm chủng đại trà cho công dân 18-59 tuổi.
Vắc xin do Sinovac Biotech sản xuất có giá 400 nhân dân tệ, được tiêm hai lần cách nhau 2-4 tuần.
Báo chí phương Tây cho rằng vắc xin Trung Quốc không an toàn vì đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 mà Trung Quốc đã cho phép tiêm chủng đại trà.
Dù vậy, Trung Quốc phản pháo rằng ai nói như thế là hiểu sai vấn đề sử dụng vắc xin vì mục đích khẩn cấp, Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc gia và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ủng hộ.
Người tình nguyện ở Nga được tiêm thử nghiệm vắc xin Ad5-nCoV của Trung Quốc - (Ảnh: TASS).
Thống đốc bang Sao Paulo của Brazil Jao Doria thông báo Viện Butantan - một trong những trung tâm nghiên cứu y tế hàng đầu của nước này - đã bắt đầu dự án cải tạo một cơ sở của cơ quan này thành một nhà máy sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 với công suất lên tới 100 triệu liều/năm, trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Sao Paulo và phòng thí nghiệm Sinovac của Trung Quốc.
Ông Doria cho biết đây sẽ là nhà máy sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên tại Mỹ Latin. Dự kiến công trình có vốn đầu tư trị giá khoảng 142 triệu real (26,5 triệu USD) sẽ được hoàn thiện vào tháng 9-2021 và loại vắc xin sẽ được cơ sở này sản xuất là CoronaVac, do phòng thí nghiệm Sinovac nghiên cứu và phát triển.
Theo ông Doria, trong thời gian công trình được xây dựng và hoàn thiện, bang Sao Paulo sẽ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để có thể sản xuất khoảng 40 triệu liều vắc xin CoronaVac tại một số nhà máy đủ điều kiện và đang hoạt động khác.
Tuy nhiên, chuyện thử nghiệm vắc xin của Trung Quốc tại Brazil không hề suôn sẻ. Ngày 11-11, Cơ quan Giám sát dịch tễ quốc gia Brazil (Anvisa) lại ra thông báo về việc cho phép nối lại thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với loại vắc xin ngừa Covid-19 do phòng thí nghiệm Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Thông báo trên được đưa ra 2 ngày sau tuyên bố đình chỉ chương trình thử nghiệm này do một tình nguyện viên “gặp sự cố nghiêm trọng” hôm 29-10.
Anvisa nhấn mạnh rằng sau khi đánh giá các dữ liệu mới được nhà tài trợ trình bày, cơ quan này cho rằng có đầy đủ lý do để tiếp tục cho phép chương trình thử nghiệm tiêm chủng.
Vắc xin CoronaVac của Sinovac Biotech được thử nghiệm ở Indonesia, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh… - (Ảnh: AP).
Brazil là quốc gia Mỹ Latin được lựa chọn thử nghiệm một loạt loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được các phòng thí nghiệm trên thế giới nghiên cứu. Ngoài loại vắc xin của Trung Quốc, Brazil cũng là nơi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin do Công ty dược AstraZeneca và Trường đại học Oxford của Anh nghiên cứu, cũng như của Công ty đa quốc gia Johnson & Johnson và liên doanh BioNTech (Đức) và Wyeth/Pfizer (Mỹ).