Trung Quốc ô nhiễm nguồn nước vì "nghiện" phân hóa học

  •  
  • 2.567

Để đảm bảo đủ lương thực cho dân số hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc phải mạnh tay sử dụng phân hóa học để tăng năng suất cây trồng. Và hậu quả là tình trạng ô nhiễm nguồn nước nặng nề mà đất nước này đang phải đối mặt.

Cái giá cho vị trí số 1 thế giới về sản lượng ngũ cốc


Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn BBC)

Trung Quốc chỉ sở hữu 9% tổng diện tích đất canh tác của toàn thế giới, nhưng lại phải nuôi sống 21% dân số toàn cầu, trong khi phần lớn đất đai lại không mấy màu mỡ.

Trong 3 thập kỷ trở lại đây, để bù đắp khoảng chênh lệch quá lớn giữa năng lực và nhu cầu, ngành nông nghiệp Trung Quốc đã xem phân hóa học như một liều thuốc kích thích sản lượng.

Năm 1980, gần 80% diện tích đất canh tác của Trung Quốc chứa lượng phốt phát dưới 10miligram/1kilogram đất, nghĩa là ở tình trạng thiếu lân. Sau đó, do các chính sách khuyến khích của Chính phủ, lượng phốt phát được sử dụng đã tăng 5% mỗi năm.

Từ đó đến nay, lượng hóa chất này tích tụ trong đất ở Trung Quốc đã lên đến 85 triệu tấn. Chỉ riêng trong năm ngoái, lượng phốt phát mà nông dân Trung Quốc tiêu thụ đã lên tới 11 triệu tấn, chiếm 35% tổng sản lượng toàn cầu.

Phân bón hóa học đã mang lại những kết quả ngoạn mục cho nền nông nghiệp Trung Quốc. Từ những năm 1960 đến nay, sản xuất ngũ cốc ở Trung Quốc đã tăng 8 lần và hiện chiếm 24% sản lượng của toàn thế giới.

Nhưng bên cạnh đó, Trung Quốc đồng thời cũng trở thành nước tiêu thụ phân hóa học nhiều nhất thế giới. Nhiều chuyên gia về môi trường thậm chí đã dùng đến khái niệm "nghiện" hay "phụ thuộc" để mô tả tình trạng lạm dụng phân hóa học ở Trung Quốc.

Nghiên cứu của Đại học Renmin công bố hồi đầu năm nay cho thấy, nông dân Trung Quốc đã sử dụng lượng phân hóa học nhiều hơn mức cần thiết 40% và kết quả là mỗi năm, khoảng 10 triệu tấn phân thải thẳng vào nguồn nước.

Còn theo một báo cáo của Chính phủ Trung Quốc, phân hóa học là nguyên nhân thứ hai (sau chăn nuôi) gây ra tình trạng dư thừa phốt pho trong nước, dẫn đến sự bùng nổ của các loại tảo độc hại ở rất nhiều sông, hồ.

Sự phát triển quá mức của tảo (mà từ chuyên môn gọi là phì dưỡng) làm giảm đáng kể lượng oxy hòa tan trong nước, giết chết cá và các thực vật thủy sinh, đồng thời có thể thải ra các loại độc tố gây ảnh hưởng đến con người và vật nuôi.

Cứu Thái Hồ bằng cách nào?

Một ví dụ điển hình của hiện tượng phì dưỡng là Thái Hồ, một kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng của Trung Quốc. Từ năm 2007, khoảng 1/3 diện tích mặt hồ bắt đầu bị lớp thảm dày bằng tảo lục, tảo lam bao phủ.


Thái Hồ bị tảo độc xâm chiếm.

Kết quả phân tích 25 mẫu nước do tổ chức Hòa Bình Xanh thực hiện cho thấy, 20 mẫu có nồng độ nitơ và nitrat (thành phần của phân hóa học) có thể gây nguy hiểm cho con người. Một nghiên cứu do Viện Địa lý và Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc công bố tháng trước làm rõ hơn nguyên nhân của hiện tượng này.

Theo đó, lượng phân bón chảy theo nước vào Thái Hồ từ các vùng đất nông nghiệp xung quanh lên tới 6kg/1ha, cao gấp 6 lần mức báo động ở các nước phát triển. Không có gì ngạc nhiên khi Thái Hồ và nhiều hồ lớn khác của Trung Quốc như Sào Hồ (tỉnh An Huy), hồ Điền Trì (tỉnh Vân Nam) đều bị tảo xâm chiếm.

Khi sự cố tảo độc ở Thái Hồ mới xảy ra, chính quyền địa phương đã công bố chi 14 triệu đô la để làm sạch môi trường nơi đây. Nhưng sau 3 năm, những tiến bộ đạt được vẫn chưa đáp ứng mong đợi.

Đầu năm nay, người ta đã quyết định thả khoảng 20 triệu con cá ăn tảo xuống hồ. Nhưng theo giới nghiên cứu, mục tiêu cải tạo nguồn nước ở Thái Hồ cũng như các diện tích đang bị tảo xâm chiếm sẽ không đạt hiệu quả, nếu không chặn đứng được từ gốc.

Báo cáo của Đại học Renmin khuyến cáo, Chính phủ Trung Quốc nên giảm bớt 50% lượng phân bón hóa học sử dụng trong nông nghiệp, hạn chế trợ giá cho người sản xuất phân hóa học mà thay vào đó là khuyến khích nông dân sử dụng chất thải từ động vật làm phân bón. Nếu dùng toàn bộ lượng phân chuồng, nông dân Trung Quốc có thể giảm 3,3 triệu tấn phốt phát, gần bằng 1/3 mức tiêu thụ hiện nay.

Theo Bee (Nature, Reuters)
  • 2.567